27.5.05

Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở TP.HCM


TP.HCM tiêu thụ hơn 1/3 năng lượng của cả nước; mức tiêu thụ năng lượng đang tăng trưởng nhanh hơn tăng trưởng GDP gấp 1,4 lần. Điều này nói lên thực trạng mức độ phụ thuộc lớn của kinh tế thành phố vào các nguồn năng lượng truyền thống.

Các nhà khoa học phân tích rằng nếu có sự biến động lớn về giá năng lượng thế giới thì “chúng ta sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ khuếch đại”. “Điều này cho hay cung cách TP.HCM sử dụng năng lượng không những có ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của nền kinh tế mà còn ảnh hưởng tới an toàn năng lượng của cả nước”. Và lẽ dĩ nhiên “nếu không tập trung phát triển năng lượng mặt trời thì trước mắt bị lãng phí năng lượng và về lâu dài khó có thể phát triển bền vững được”.


Đang lắp đặt trạm điện mặt trời
tại sóc Suối Đá - Bình Phước











TS Lê Hoàng Tố - giám đốc Trung tâm Năng lượng mới và phát triển nông thôn - bức xúc nói: “TP.HCM có tỉ lệ điện khí hóa bằng lưới điện cao nhất nước, gần 100% xã được điện khí hóa, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tất cả người dân ở thành phố này đều có điện sử dụng”.

Bà dẫn chứng: Cần Giờ là huyện chiếm 2/3 diện tích của thành phố này, lại là nơi nghèo nhất, có bảy xã trong đó có xã Thạnh An (gồm đảo Thạnh An và thôn Thiềng Liềng, Cán Gáo) đều chưa có điện lưới quốc gia vì bị ngăn cách bởi biển. Đó là chưa kể đến địa bàn 40.000ha rừng phòng hộ với hơn 700 hộ dân sinh sống và làm ăn trong vùng này không biết bao giờ sẽ có điện. Bà nhấn mạnh: “Nhu cầu sử dụng năng lượng mới ở TP.HCM vẫn còn lớn, là vấn đề cần phải quan tâm giải quyết”.

Theo nghiên cứu của giới chuyên môn, TP.HCM là nơi có điều kiện thuận lợi để phát triển các dạng năng lượng mới: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí sinh học. Giới khoa học đề nghị “đây là những nguồn tài nguyên quí giá của TP.HCM, nên nhận thức đầy đủ và khai thác tốt hơn”.

Cường độ bức xạ mặt trời ở TP.HCM khá cao: 5,2 kWh/m2/ngày, cao nhất là 6,6 kWh/m2/ngày vào tháng ba và thấp nhất là 4,3 kWh/m2/ngày vào tháng mười một. Số giờ nắng lại cao so với nhiều vùng khác, đến 2.299 giờ/năm.

Ngoài ra, đảo Thạnh An (Cần Giờ) là xã đảo duy nhất của TP.HCM chưa có điện lưới quốc gia, nhưng lại là nơi có tiềm năng ứng dụng năng lượng gió lớn nhất ở thành phố này. Đảo có diện tích 200m x 2.000m, với hơn 4.500 dân (khoảng 800 hộ) sinh sống, “nhưng hệ thống phát điện bằng máy phát diesel hiện nay không tiện dụng và kém hiệu quả, ngành điện thường xuyên phải bù lỗ”.

Trong khi đó TS Bùi Tuyên - Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cũng dẫn ra một con số tính toán khiến nhiều người không khỏi giật mình: “Khu vực TP.HCM được thiên nhiên ưu đãi hơn so với rất nhiều khu vực khác. Năng lượng mặt trời chiếu xuống TP.HCM là nguồn năng lượng khổng lồ. Trung bình mỗi ngày thành phố này nhận được một lượng bức xạ mặt trời khoảng 27 tỉ MJ (7,5 tỉ kWh), tương đương với lượng điện cả nước sản xuất ra trong một quí - một lượng đủ cho tổng nhu cầu năng lượng của cả thành phố trong vòng hai tháng”. Và điều quan trọng hơn cả là nguồn năng lượng này lại tái tạo vô tận và là sạch nhất trong tất cả các dạng năng lượng.

Với TP.HCM, có thể nói năng lượng mặt trời đóng góp 0% trong công nghiệp, ngoại trừ một vài ngành qui mô nhỏ như sản xuất gạch ngói, ván ép...”. Ông dí dỏm: “Chỉ còn lại vai trò của ánh nắng trong việc sấy khô quần áo trong mỗi gia đình ở nội thành. Còn ở vùng ngoại thành, nơi sản xuất nông nghiệp đang là hoạt động kinh tế chủ yếu thì năng lượng mặt trời vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng cách thức sử dụng cũng không khác bao nhiêu so với những thế kỷ trước”.

Ông Trịnh Quang Dũng - Solarlab Phân viện Vật lý TP.HCM, Viện Khoa học công nghệ VN - cho biết đưa điện mặt trời hỗ trợ điện lưới là một chính sách lớn trong chương trình phát triển bền vững toàn cầu. Mục tiêu 15-20% năng lượng mới, trong đó có điện mặt trời, sẽ thay thế năng lượng truyền thống vào năm 2015 đã được hoạch định ở các quốc gia tiên tiến, mà đi đầu là Đức. Ở VN vấn đề này còn rất mới mẻ.

Tuy nhiên, Solarlab đã nghiên cứu những bước đầu tiên về công nghệ mạng điện cục bộ - Madicub - nhằm đưa điện mặt trời vào ứng dụng ngay tại TP.HCM, phục vụ phụ tải điện cho Nhà nước và phục vụ điện giá rẻ dành cho người dân. Nguyên lý công nghệ, mô hình ứng dụng và các kết quả nghiên cứu ban đầu cho phép ta nghĩ tới một tiềm năng to lớn của điện mặt trời trong tương lai.

Ông Dũng dẫn chứng trường hợp một biệt thự ở quận Tân Bình (TP.HCM) sử dụng mạng Madicub đầu tiên đã được Solarlab thực hiện. Trung bình dàn pin mặt trời cung cấp được một lượng 300 kWh/tháng và mua được một lượng điện giá rẻ tương đương. Nếu tính trung bình nhà điện mặt trời này đã phụ tải được cho lưới điện quốc gia 300 kWh/tháng, đặc biệt vào giờ cao điểm. Theo ông Dũng, “nhà điện mặt trời” cần được nghiên cứu và có chính sách ưu tiên để có thể ứng dụng rộng rãi.


Qui trình đóng vỏ module
pin mặt trời tại phòng
TN Solarlab (TPHCM)


Trong khi đó, TS Nguyễn Thế Bảo - Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM - cho biết trong khuôn khổ chương trình hợp tác và phát triển năng lượng gió VN, các nhà khoa học nước ta và Đan Mạch khảo sát cơ sở hạ tầng, đánh giá các số liệu đo gió của Cần Thạnh (Cần Giờ), lựa chọn địa điểm để xây dựng trạm đo gió tự ghi tại Thạnh An, Cần Thạnh và tổ hợp gió - diesel công suất 150 - 170 kW cho xã đảo Thạnh An.

Dự án được UBND TP phê duyệt. “Nhưng rất tiếc sau đó với lý do nhu cầu sử dụng điện của xã đảo Thạnh An tăng nên công suất 150 kW không đủ, dự án dừng lại nửa chừng. Đấy là một điều rất đáng tiếc vì xã đảo Thạnh An là một trong những nơi có tiềm năng về năng lượng gió, trong khi phát điện hoàn toàn bằng máy diesel vừa rất tốn kém, vừa gây ô nhiễm...”.

TS Nguyễn Thế Bảo cho biết theo tính toán với tuôcbin loại V27 của Đan Mạch, hằng năm có thể phát ra lượng điện 235.414 kWh. Và nếu lắp đặt 10 tuôcbin loại này dọc bờ biển của xã đảo Cần Thạnh và hòa lưới điện, hằng năm có trên 2,3 triệu kWh điện từ năng lượng gió.

TP HCM: đang lãng phí nguồn năng lượng tự nhiên!

(VietNamNet) - Trung bình trong mỗi ngày TP.HCM nhận được nguồn năng lượng mặt trời (NLMT) là 27 tỉ Mega Jun, đủ cho cả TP sử dụng trong gần hai tháng. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này hầu như chưa được khai thác! Các nhà khoa học đã nêu kiến nghị, cần tận dụng nguồn năng lượng này tại cuộc hội thảo "Qui hoạch các dạng năng lượng tái tạo trên địa bàn TP" do Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM tổ chức vào ngày 15/10.



Máy nước nóng Helio, dung tích 200 lít/ngày do ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chế tạo, giá chỉ có 3,5 triệu đồng. Ảnh: Thu Thảo

Trước đây, việc sử dụng nguồn NLMT thường bị hạn chế do chi phí cao về thiết bị. Hiện giá các loại thiết bị sử dụng NLMT đã rẻ hơn rất nhiều nhưng mức độ phổ biến vẫn chưa nhiều. Nguyên do chính là việc ứng dụng loại năng lượng "sạch" này chỉ mang tính tự phát.

Không chỉ có NLMT, các nguồn năng lượng khác tại TP như: năng lượng gió, khí sinh học (biogas) cũng rất dồi dào nhưng... chỉ ở dạng tiềm năng là chính. Về gió, một nghiên cứu của ĐH Bách khoa TP.HCM khẳng định, nếu lắp đặt 10 turbine gió (động cơ gió phát điện) chạy dọc suốt bờ biển của xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM đã có thể thu được 2,3 triệu KWh/năm. Đây là kết quả của chương trình hợp tác tài trợ của tổ chức RECTERE (Đan Mạch) phối hợp với Công ty Điện lực TP từ năm 1998. Tuy nhiên dự án chỉ mới thực hiện được ở một giai đoạn thì bị dừng lại. Và cho đến nay việc sử dụng năng lượng gió ở TP vẫn ở mức không đáng kể. Trong khi đó, một nghiên cứu khác của trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho biết, tỷ lệ sử dụng các nguồn sinh khối ở TP HCM để tạo khí năng lượng vẫn còn rất thấp. Tỷ lệ sử dụng

Biogas tại các cơ sở có xây hầm Biogas loại vừa và lớn chỉ chiếm 1% (trong tổng số điều tra hàng trăm cơ sở ). Nguyên nhân là do người dân chưa biết đưa nguồn năng lượng này vào sử dụng như thắp sáng, chạy máy phát điện.



Ở các nước phát triển, tuy mật độ giờ nắng thấp hơn Việt Nam nhưng đã đưa nguồn NLMT vào sản xuất công nghiệp và sinh hoạt từ rất sớm. Ảnh: máy nước nóng bằng NLMT được chụp tại một nhà máy ở Israel (Ảnh: TS Bùi Tuyên)

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo nói trên đã kiến nghị các sở, ban ngành như Sở Khoa học-Công nghệ TP.HCM, Sở Công Nghiệp TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cần có phối hợp chặt chẽ để đưa các nguồn năng lượng tái tạo vào cuộc sống. Ngoài ra, Nhà nước cần đầu tư để sản xuất ở qui mô công nghiệp các thiết bị về pin mặt trời, động cơ gió nhằm giảm giá thành sản phẩm, đưa nhanh hàng loạt và đồng bộ vào cuộc sống, tránh việc sản xuất nhỏ, tự phát như hiện nay.

Thu Thảo


Khai thác nguồn năng lượng mới

Trung bình mỗi ngày TP Hồ Chí Minh nhận được lượng bức xạ mặt trời là 27 tỉ MJ (7,5 tỉ Kwh), tương đương với lượng điện cả nước sản xuất ra trong một quý, đủ cho nhu cầu năng lượng của thành phố trong gần 2 tháng. Ngoài ra, nếu dùng lượng phân thải ra của khoảng 220 ngàn con heo và trên 50 ngàn con bò đang nuôi làm biogas sẽ đạt gần 40 triệu mét khối mỗi năm, tương đương năng lượng của 30 ngàn tấn dầu...

Theo tiến sĩ Lê Hoàng Tố - Giám đốc Trung tâm Năng lượng mới và Phát triển nông thôn, TP Hồ Chí Minh là nơi có điều kiện thiên nhiên thuận lợi để phát triển các dạng năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, khí sinh học do có cường độ bức xạ mặt trời trung bình khá cao. Các huyện ngoại thành giáp biển như Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, đảo Thạnh An là những địa bàn có điều kiện phát triển năng lượng gió tốt. Riêng đảo Thạnh An (với hơn 800 hộ dân đang sinh sống) là xã đảo duy nhất của TP Hồ Chí Minh hiện chưa có điện lưới quốc gia, và cũng là nơi có tiềm năng ứng dụng năng lượng gió lớn nhất. Về tiềm năng phát triển nguồn năng lượng khí sinh học, tiến sĩ Bùi Xuân An - khoa Công nghệ môi trường ĐH Nông Lâm phân tích: "Chúng ta có thể sản xuất năng lượng khí sinh khối cho TP Hồ Chí Minh từ các nguồn nguyên liệu trong nông nghiệp, lấy từ các chất thải trong trồng trọt và chăn nuôi để sinh khí biogas. Ví dụ như các nguồn chất hữu cơ phụ phẩm cây trồng theo tính toán sơ bộ, với khoảng hơn 60 ngàn hecta gieo trồng, số phụ phẩm có thể sử dụng làm nhiên liệu như rơm, bã mía, thân bắp... hằng năm lên đến trên 600 ngàn tấn, tương đương năng lượng của 250 ngàn tấn dầu”.

Xét về tiềm năng phát triển và khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng mặt trời, tiến sĩ Bùi Tuyên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhận định: "Trước mắt, năng lượng mặt trời có khả năng đáp ứng ngay nhiều loại nhu cầu về nhiệt năng và quang. Ví dụ, chỉ để đáp ứng cho nhu cầu tắm nước nóng, thành phố hiện có khoảng 200 ngàn bình nước nóng dùng điện và đang tăng nhanh. Nếu ta thay được số bình này bằng những máy nước nóng dùng năng lượng mặt trời sẽ tiết kiệm điện được khoảng 200 ngàn kWh/ngày hay 73 triệu kWh/năm. Về nhu cầu nước nóng trong công nghiệp như lò hơi, khu vực từ Phan Thiết trở vào hiện có khoảng 4 ngàn lò hơi, nếu ta dùng năng lượng mặt trời để nâng nhiệt độ nước cấp lên 30 độ C - cao hơn so với nước cấp lạnh truyền thống - trong thời gian 6 giờ/ngày thì sẽ tiết kiệm khoảng 15 tỉ đồng/năm...".

Hiện TP Hồ Chí Minh là nơi có các hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ ứng dụng thực tiễn các nguồn năng lượng mới quy mô nhất nước. Từ những năm 1990, khi nhiều thôn xóm ngoại thành của TP Hồ Chí Minh chưa có lưới điện quốc gia, Solarlab - Phân viện Vật lý TP Hồ Chí Minh đã triển khai các hệ thống điện mặt trời để phục vụ nhu cầu cấp thiết như chiếu sáng, nghe nhìn, thông tin liên lạc, phát thanh công cộng, y tế... Gần đây nhất và cũng thành công nhất là dự án "Điện mặt trời phục vụ rừng phòng hộ Cần Giờ". Dự án này là một bộ phận của chương trình "Năng lượng không tập trung và phát triển nông thôn Việt Nam" hợp tác với tổ chức FONDEM (Pháp), một chương trình mẫu về điện khí hóa nông thôn bằng năng lượng mới. Bên cạnh đó, công nghệ Mạng điện cục bộ - Madicub - nhằm đưa điện mặt trời vào phục vụ phụ tải điện cho nhà nước của Solarlab cũng đã bắt đầu được đưa vào một số gia đình. Tính trung bình một hộ gia đình sử dụng mạng Madicub sẽ tiết kiệm được cho lưới điện quốc gia 300 Kwh/tháng. Về năng lượng gió, Trung tâm RECTERE - ĐH Bách khoa cũng đã đầu tư nghiên cứu và chế tạo các động cơ gió để phát điện và bơm nước...

Tuy nhiên, để TP Hồ Chí Minh phát triển hết tiềm năng về các nguồn năng lượng mới, hiện vẫn đang cần một chiến lược đầu tư khai thác một cách hiệu quả nhất. Tại hội thảo Quy hoạch các dạng năng lượng tái tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vừa qua, hầu hết các đại biểu tham dự đều thống nhất đề xuất: Cần có sự kết hợp giữa lãnh đạo thành phố, Sở Khoa học - công nghệ và các sở, ngành liên quan để có đề án khảo sát, xây dựng quy hoạch triển khai năng lượng mới một cách toàn diện, giải quyết nguồn điện cho những nơi chưa hoặc không thể có lưới điện (như Cần Giờ ); đầu tư và có chính sách hỗ trợ cho các đề tài nghiên cứu có công nghệ, hàm lượng chất xám cao và có tính đột phá...

Tố Tâm


Đun nước bằng năng lượng mặt trời

TT - Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM vừa quyết định hỗ trợ kinh phí cho nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị và năng lượng mới (ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) nghiên cứu, chế tạo các loại hệ thống cung cấp nước nóng bằng năng lượng mặt trời.

Đây là hệ thống ứng dụng phương pháp đối lưu tự nhiên và sử dụng tấm hấp thụ nhiệt để làm nóng nước. Nhiệt độ cao nhất của nước sau khi được làm nóng có thể đạt 70-80OC và sau 24 giờ nhiệt độ của nước chứa trong bình có thể giữ được ở mức khoảng 40OC.

Kết thúc giai đoạn 1 của dự án, nhóm nghiên cứu đã chế tạo và lắp đặt thử nghiệm khoảng 10 hệ thống tại TP.HCM và một số tỉnh. Ông Kỳ Thiết Bảo - thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết một hệ thống 180 lít có giá khoảng 8 triệu đồng.

QUỐC THANH

0 Comments:

Post a Comment

<< Home