22.8.05

Khai thác năng lượng mặt trời: Việt Nam cần xây dựng Luật phát triển năng lượng tái tạo


Theo phòng tính của các nhà khoa học : năng lượng mặt trời tới được trái đất chúng ta trong vòng 72 giờ, tương đương với năng lượng có được từ các mỏ than, dầu và khí thiên nhiên trên toàn thế giới. Vấn đề là làm sao con người có thể tận dụng một cách hiệu quả nguồn năng lượng gần như vô tận này.

Hiện nay, các nguồn năng lượng mà con người đang tiêu dùng là 41,76% dầu mỏ, 24,72% than, 21,16% gas, 6,25% năng lượng nguyên tử, 6,11% thuỷ điện, các nguồn năng lượng khác như mặt trời, gió, sinh học, địa nhiệt, thuỷ triều... chỉ chưa được 1% nhu cầu về năng lượng của nhân loại. Trong khi đó, các nguồn năng lượng truyền thống: dầu khí, gas, than đá ngày càng cạn kiệt, giá cả bất ổn, năng lượng nguyên tử ngày nay đã có những công nghệ an toàn hơn, song không phải là không có rủi ro, lại còn phải lo đến "các kho chứa chất thải hạt nhân"... Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho các nhà quản lý, các nhà khoa học trên thế giới là phải tìm kiếm những nguồn năng lượng mới có tính khả thi cao và bền vững để thay thế các nguồn năng lượng truyền thống đang bị cạn kiệt dần.

Thế giới khai thác năng lượng mặt trời

Năm 1978, Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật có tên "chính sách xã hội trong lĩnh vực các nguồn năng lượng" nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất các loại năng lượng thay thế. Năm 2000 Đức ban bố "Luật phát triển năng lượng có khả năng tái sinh". Các công ty nghiên cứu phát triển công nghệ này được Chính phủ Đức trợ cấp kinh phí, các hộ gia đình sử dụng nguồn năng lượng này cũng được trợ cấp kinh phí, đến năm 2003 đã có 100.000 nóc nhà được lắp đặt pin mặt trời để phát điện... năm 2002 có 90 quốc gia trong thành phần liên minh năng lượng phục hồi Johannesburg chính thức thoả thuận tăng số tiền đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ở Nhật Bản, chỉ riêng năm 2000 đã tăng lượng điện mặt trời lên tới 128 MW (gấp 4 lần trước đó); Philipines điện mặt trời đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho 400.000 dân, 250.000 ngôi nhà được lắp đặt pin mặt trời ở Sri Lanka. Trung Quốc, Mexico. Từ những năm 90 ở Đức, Thuỵ Sỹ đã có hàng ngàn toà nhà được lắp đặt các tấm pin thu năng lượng mặt trời theo chương trình hỗ trợ tài chính của Chính phủ, ở Kenya, từ 1993 số nhà sử dụng năng lượng điện mặt trời còn nhiều hơn số nhà được hệ thống điện quốc gia cung cấp. Nam Phi triển khai nhiều chương trình lớn giúp đảm bảo được hệ thống điện năng lượng mặt trời cho hàng triệu người dân. Ở Brazil, những vùng xa xôi hiểm trở như Amazon, điện năng lượng mặt trời chiếm vị trí đầu bảng. Khối EU có trên 25 triệu m2 thu năng lượng mặt trời dùng để phát điện và đun nước nóng. Israel có luật bắt buộc nhà ở phải có bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời... và có những khu phố giờ cao điểm sẽ cúp điện quốc gia.

Nhờ chính sách khuyến khích đầu tư khai thác năng lượng mặt trời, giá thành 1 kWh điện mặt trời chỉ còn 3 - 23 cent, so với 20 năm trước người sử dụng phải tốn 2,5 USD. Theo dự tính đến năm 2020, điện năng lượng mặt trời ở Mỹ sẽ đảm bảo 15% năng lượng tiêu thụ của cả nước. Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này như Shap Corporation của Nhật Bản hiện chiếm 27% thị trường sản xuất pin mặt trời của thế giới, General Electric đi đầu trong việc sản xuất thiết bị dùng cho các trạm phát điện bằng sức gió.

Nước ta cần sử dụng nguồn năng lượng mặt trời

Nước ta do nằm trong vùng nhiệt đới, nắng nóng gần như quanh năm, nhất là các tỉnh phía Nam (trừ những ngày có mưa rào), có thể nói trên 90% số ngày trong năm đều có thể sử dụng năng lượng mặt trời để đun nước nóng dùng cho sinh hoạt. Các nhà khoa học cho biết: ở Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày nhận được 5,5 kWh/m2, có nghĩa là bức xạ năng lượng mặt trời xuống thành phố bằng năng lượng điện cả nước sản xuất trong 5 tháng, nguồn tài nguyên vô tận đó còn bị lãng quên.

Để đất nước phát triển bền vững, việc khai thác các nguồn năng lượng không tái tạo như than đá, dầu mỏ, khí đốt... phải hợp lý và sử dụng tiết kiệm. Do đó, đẩy mạnh nghiên cứu - ứng dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, khí sinh học, địa nhiệt...) cần đặc biệt quan tâm và phải trở thành chiến lược quốc gia trong nhiều năm sắp đến. Trong các thập niên qua, mặc dù chúng ta đã thu được những kết quả nhất định trong việc nghiên cứu - ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời vào cuộc sống ở một số nơi, song vẫn còn mang tính tự phát, chưa có định hướng phát triển lâu dài và chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể, giá thành pin mặt trời, các thiết bị đun nước nóng... còn cao so với thu nhập của người dân.

Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Hội khoa học kỹ thuật xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra một số đề xuất: cần có một cơ quan (viện) chuyên nghiên cứu - ứng dụng năng lượng tái táo, quan trọng nhất là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí sinh học (biogas)... nhằm xử lý phế liệu nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... cơ quan này sẽ xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, đồng thời đề đạt những chính sách cụ thể trong việc khuyến khích đầu tư, ứng dụng năng lượng tái tạo. Gửi một số kỹ sư có năng lực, có nhiệt tình tiếp tục tu nghiệp ở các nước đi đầu trong lĩnh vực này như: Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Israel... mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, tiếp tục chuyển giao công nghệ về năng lượng tái tạo, ứng dụng phù hợp với điều kiện của nước ta. Có chính sách ưu đãi kêu gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư sản xuất pin mặt trời, thiết bị nấu bằng năng lượng mặt trời, thiết bị phát điện bằng năng lượng gió. Giá pin mặt trời, thiết bị nấu nước nóng... hiện nay đã rẻ hơn nhiều so với trước, song vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, chưa thể xã hội hoá rộng rãi được, nhất là ở nông thôn, miền núi, hải đảo... Nhà nước nên tác động để hạ giá thành sản phẩm sao cho người dân có thể chấp nhận được.

Những doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất pin mặt trời, thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời thì được Nhà nước cho vay vốn với lãi suất ưu đãi trong thời gian cần thiết, được tạo điều kiện về mặt bằng, nhà xưởng cũng như các hạ tầng kỹ thuật khác; được miễn hoặc giảm các loại thuế trong vòng 10 năm, được như vậy giá thành sản phẩm chắc sẽ giảm nhiều so với hiện nay.

Trước mắt cần phát triển thiết bị đun nóng bằng năng lượng mặt trời vì đây là công nghệ không quá phức tạp, phù hợp với trình độ khoa học và công nghệ nước ta, lại có phạm vi ứng dụng vô cùng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thiết bị đun nóng bằng năng lượng mặt trời được nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Trung Quốc... và lắp ráp trong nước với giá bán rất khác nhau: Solabart của Mỹ, loại 180 lít giá khoảng 1.500 USD; thiết bị của Australia loại 300 lít có giá khoảng 1.750 USD; Sunflower của Tân Á loại 120 lít có giá 4.250.000 đồng, loại 200 lít giá 7.500.000 đồng; Công ty Việt Văn có giá bán 1.900.000 - 2.900.000 đồng/máy; Helio của Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh loại 200 lít giá 3.400.000 đồng rẻ nhất hiện nay là sản phẩm của trường Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh do PDS.TS Lê Chí Hiệp chủ trì, loại 200 lít là 1.963.000 đồng... và còn nhiều cơ sở khác cũng tham gia thị trường này nhưng chất lượng thì khó xác định.

Nhà nước nên sớm xây dựng và ban hành luật "phát triển năng lượng tái tạo" riêng với năng lượng mặt trời thì cần quy định rõ: khi xây dựng nhà (nhất là nhà cao tầng) phải dùng nóc nhà để lắp đặt pin mặt trời để phát điện, hoặc thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, có thể kết nối thành một mạng lưới trung tâm để có thể điều hoà giữa hộ sử dụng theo sự thoả thuận của những hộ cùng trong một mạng. Nhiều khu nhà cũ có thể cải tạo để khai thác năng lượng mặt trời vừa có lợi cho đất nước vừa có lợi cho người tiêu dùng.

(Nguồn: TBKT)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home