23.8.05

Cần có cách nhìn công bằng với năng lượng tái tạo



Năng lượng đóng vai trò thiết yếu đối với phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay và đến gần cuối thế kỷ 21, năng lượng hóa thạch đặc biệt là dầu mỏ vẫn là nguồn năng lượng quan trọng nhất chưa có dạng năng lượng nào thay thế được.

Năng lượng cần đi trước vài bước:

Nhưng đây là dạng năng lượng không tái tạo, dù trữ lượng có lớn đến đâu rồi đến lúc sẽ cạn kiệt, giá thành cao và sử dụng gây ô nhiễm. Dự báo nguồn dầu mỏ thương mại trên thế giới còn dùng khoảng 60 năm, khí tự nhiên 80 năm, than từ 150-200 năm. Dầu mỏ lại tập trung chủ yếu ở các vùng mà tình hình chính trị luôn bất ổn. Mỗi cơn khủng hoảng dầu mỏ làm lung lay nền kinh tế vốn đã mong manh của các nước nghèo. Theo dự báo của cơ quan năng lượng thế giới (IEA) nhu cầu dầu mỏ thế giới hiện nay khoảng 84 triệu thùng/ngày sẽ tăng lên 120-130 triệu thùng/ngày vào năm 2025-2030. Tốc độ tăng bình quân ở mức 1,6-1,8%/năm. Nhận định giá dầu mỏ trên 50 USD/thùng khi có biến động chính trị giá dầu sẽ tăng cao hơn. Nhưng giá xăng diesel chắc còn tăng hơn hiện nay do các nhà máy lọc dầu đã chạy hết công suất.

Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng (than, dầu mỏ), nhưng tiềm năng về năng lượng hóa thạch không phải là lớn. Các chuyên gia kinh tế năng lượng đã dự báo đến trước năm 2020 sẽ phải nhập khoảng 12-20% năng lượng, đến năm 2050 lên đến 50-60% chưa kể điện hạt nhân. Trong lĩnh vực điện năng chủ yếu dựa vào nhiệt điện và thủy điện. Thủy điện tuy có tiềm năng phát triển nhưng lại phụ thuộc vào thời tiết, nếu phát triển quá lớn chưa thể lường trước những biến đổi về dòng chảy tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Điện hạt nhân còn đang trong quá trình chuẩn bị phương án nếu xuôi xẻ cũng phải đến năm 2020 mới bổ sung nguồn điện cho quốc gia. Điện hạt nhân còn là chặng đường gian nan và là vấn đề “nhạy cảm” trong tình hình quốc gia hiện nay.

Xăng dầu dùng cho giao thông vận tải thường chiếm đến 30% nhu cầu năng lượng cả nước, hiện nay phải nhập từ bên ngoài. Khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đưa vào sử dụng năm 2009-2010, mới chỉ cung cấp được khoảng trên 5 triệu tấn xăng dầu cho GTVT trong tổng số nhu cầu 15-17 triệu tấn, vẫn phải nhập trên 10 triệu tấn. Đến năm 2020 khi đưa tiếp 2 nhà máy lọc dầu vào hoạt động chúng ta có chừng 15-16 triệu tấn xăng dầu trong tổng nhu cầu 30-35 triệu tấn. Vẫn phải nhập ít nhất 15 triệu tấn - Lượng xăng dầu sử dụng trên đầu người năm 2020 mới chỉ bằng 60% của Thai Lan năm 2005.

Do giá xăng dầu nhập khẩu luôn tăng, năm 2004 Nhà nước phải bù lỗ trên 5.000 tỷ đồng và thất thu gần 5.000 tỷ đồng do giảm thuế nhập khẩu, ước tính mỗi lít xăng dầu bù lỗ 400-500 đồng. Đầu năm 2005, khi giá dầu mỏ tăng đến 55-60 USD/thùng, riêng quý I đã bù lỗ 4.870 tỷ chưa kể thất thu thuế nhập khẩu. Từ tháng 3/2005 tuy đã điều chỉnh tăng giá và giảm thuế nhập khẩu đến 0%, dự báo năm 2005 vẫn phải bù lỗ 12.300 tỷ (lớn hơn tổng thu ngân sách của các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ).

Những thiệt hại do thiếu điện vừa qua và giá xăng dầu tăng làm cho Nhà nước phải bù lỗ lớn, nền kinh tế bị ảnh hưởng. Hơn thế nữa, hàng loạt các sản phẩm quan trọng cũng phải tăng giá làm cho nền kinh tế bị nén ép, nhiều DNNN tồn tại được nhờ có sự che chắn bảo hộ của Nhà nước và người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhất. Mỗi khi có cuộc khủng hoảng năng lượng đã làm chao đảo nền kinh tế, đe dọa sự tăng trưởng kinh tế của các nước.

Nhiều nước trên thế giới và các nước ASEAN cũng đang hành động để tăng cường an ninh năng lượng. ASEAN hiện đang nhập siêu dầu mỏ và 60% tiêu dùng năng lượng sơ cấp phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trong nhiều năm qua Đảng và Chính phủ đã quan tâm đầu tư cao nhất cho ngành năng lượng so với các ngành công nghiệp khác. Các doanh nghiệp điện, dầu khí, than đá có đóng góp lớn để đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế và sinh hoạt nhân dân. Tuy nhiên, hiện tại đã có những cảnh báo về mất an ninh năng lượng. Nếu ngành năng lượng nước ta không đi trước “vài bước” thì không thể đáp ứng đủ năng lượng cho tăng trưởng kinh tế bền vững, nước ta khó trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 như Nghị quyết TW đã đề ra. Nếu chỉ dựa vào năng lượng hóa thạch như hiện nay mà không quan tâm phát triển các dạng năng lượng sạch, tái tạo thì cũng khó đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn khi nguồn năng lượng hóa thạch cạn dần. Hơn nữa, nếu sử dụng quá nhiều năng lượng khoáng sẽ gây ô nhiễm lớn.

Môi trường, nỗi lo chung của nhân loại:

Thông báo liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc LHQ đã cảnh báo sự nóng dần lên của trái đất đã đến mức báo động: Nồng độ khí nhà kính (CH4, NOx, HFC, PEC, SF6 và CO2) đã tăng lên 30% so với thời kỳ tiền công nghiệp từ 280 ppmv tăng lên 360 ppmv. Sự gia tăng khí nhà kính mà chủ yếu là CO2 do đốt nhiên liệu hóa thạch quá nhiều làm cho bề mặt trái đất nóng dần lên tăng 0,6-0,8ºC, mực nước biển dâng cao 15-20 cm. Hiện tượng nóng dần lên của trái đất là một trong những thách thức lớn nhất của toàn cầu trong thế kỷ 21. Nếu không hành động tích cực, lượng khí nhà kính có nguy cơ tăng lên 500 ppmv vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ trái đất có thể tăng thêm 2-3ºC, nước biển có thể dâng cao 0,5m. Nhiều vụ thiên tai gây lũ lụt hạn hán kéo dài ở quy mô rộng, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp dẫn đến thiếu lương thực và xuất hiện các dịch bệnh mà các nước nghèo khó có khả năng phòng chống. Một số các nhà môi trường học còn cảnh báo nếu để nhiệt độ trái đất tăng thêm 2-3ºC các hệ sinh thái sẽ mất cân bằng không thể tự điều chỉnh được đó thực sự là quả “bom khí hậu”.

Nhân ngày môi trường thế giới 05/6/2005 Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực đã cảnh báo về nhiều vấn đề “nóng” của thực trạng ô nhiễm môi trường ở nước ta. Ô nhiễm không khí ở các khu đô thị và công nghiệp tăng 2-3 lần, ở các nút giao thông tăng 2-5 lần so với quy định. Ô nhiễm nước là vấn đề hết sức lo lắng... sức khỏe của người dân luôn bị đe dọa mỗi năm. Ở các nước đang phát triển mà hơn nửa triệu người chết do ảnh hưởng của ô nhiễm. Cái giá chúng ta phải trả do ô nhiễm gây ra cao hơn nhiều lần cái lợi trước mắt đã đem lại.

Những thành quả kinh tế đạt được trong 5, 10 năm có thể bị hủy hoại trong chốc lát do thiên tai địch họa. Vì thế bảo vệ khí hậu ngôi nhà chung của nhân loại và phát triển bền vững là trách nhiệm chung của các quốc gia không phân biệt giàu nghèo hệ thống kinh tế chính trị khác nhau.

Cần có cách nhìn công bằng với năng lượng tái tạo:

Tất cả các dạng năng lượng đều cần thiết và có vai trò xứng đáng trong từng giai đoạn. năng lượng hóa thạch, nhất là dầu mỏ đã có đóng góp to lớn trong thời gian qua từ khi E.Drake tìm ra dầu mỏ đầu tiên ở Pennsylvania năm 1859 và vẫn còn là nguồn năng lượng chủ yếu đến gần cuối thế kỷ này. Nhưng nền kinh tế hiện nay vẫn vận hành dựa chủ yếu vào năng lượng hóa thạch là không bền vững trong khi dạng năng lượng này đang cạn kiệt. Mẫu hình sử dụng năng lượng như vậy không đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn và không bền vững về mặt sinh thái. Do vậy, cần phải có chiến lược sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các dạng năng lượng hóa thạch hiện có, và càng sớm càng tốt khai thác sử dụng các dạng năng lượng sạch như điện nguyên tử, đặc biệt là năng lượng tái tạo tràn ngập trên hành tinh không bao giờ cạn kiệt, thân thiện môi trường. Có như thế mới đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn, đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển bền vững.

Có ý kiến cho rằng suất đầu tư và giá điện sản xuất từ gió và mặt trời khá cao, khó cạnh tranh với điện truyền thống hiện nay. Suất đầu tư cho nhà máy điện từ than xấp xỉ 1 triệu USD/1MW điện gió từ 1,2-1,7 lần, điện nguyên tử từ 3-3,5 lần cao hơn so nhiệt điện. Về giá thành, khi phân tích kinh tế để so sánh chúng ta đã bỏ quên nhiều yếu tố chi phí chưa được tính đủ như: sản xuất điện từ than gây ô nhiễm lớn ảnh hưởng đến sức khỏe và mất nhiều kinh phí để khắc phục ô nhiễm (1 nhà máy điện từ than công suất 1.000 MW, mỗi năm phải thải 6 triệu tấn CO2, 44 ngàn tấn SO2, 22 ngàn tấn NOx và nửa triệu tấn thải rắn).

Khi sử dụng năng lượng sạch tái tạo được sẽ giảm khí nhà kính. Chúng ta có thể “bán môi trường sinh thái” thu về nhiều triệu USD.

Thực tế giá thành sản xuất than và điện hiện nay cao hơn giá bán, nếu trình đủ các chi phí ngành điện không thể thu hồi được vốn để tái đầu tư nên vẫn cần Nhà nước bao cấp để bảo đảm điện năng cho tiêu dùng xã hội. Hiện nay, ngành năng lượng được ưu đãi lớn nhất so với các ngành công nghiệp khác về vốn ưu đãi, vốn ODA. Chỉ phải nộp thuế môi trường, hạch toán môi trường vào giá thành (hạch toán môi trường cho phép đánh giá tính bền vững tăng trưởng kinh tế, giúp chúng ta hoạch định chính sách phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên năng lượng ở mức hợp lý). Nếu tính đủ thuế sử dụng tài nguyên, thuế môi trường, tính đủ các yếu tố chi phí hạch toán vào giá thành, cắt bỏ các ưu đãi bao cấp của Nhà nước trong hạch toán kinh doanh thì chưa biết dạng năng lượng nào sẽ có tính cạnh tranh? Hơn thế nữa, chúng ta đã bỏ quên không tính toán lợi ích lâu dài khi sử dụng năng lượng tái tạo đem lại như: Đảm bảo phát triển bền vững kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ mai sau, đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài khi nguồn năng lượng hóa thạch sẽ cạn dần tránh những khủng hoảng năng lượng. Ngành năng lượng đã có 50 năm tồn tại, nhưng bình quân tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2003 mới khoảng 205-210 Kg OE/người, mới bằng 20% bình quân chung của thế giới. Phát triển năng lượng cần thời gian dài, nếu bây giờ không chú trọng phát triển năng lượng thay thế, đa dạng hóa các năng lượng làm sao đảm bảo đủ năng lượng để thực hiện được CNH-HĐH đất nước, và an ninh năng lượng lâu dài. Nếu mỗi năm chi từ 1-2% trong tổng vốn đầu tư cho ngành năng lượng (năm 2005 khoảng 60 nghìn tỷ đồng) để phát triển điện gió, điện mặt trời và nhiên liệu sinh học thì trong vòng 20-30 năm tới điện “xanh” sẽ chiếm được 10-15% điện năng, nhiên liệu sinh học sẽ thay thế được 10-15% xăng dầu khoáng, và đến cuối thế kỷ này chắc chắn có tỷ lệ cao hơn.

Vì vậy, Chính phủ cần sớm phê duyệt chính sách an ninh năng lượng quốc gia, sớm ban hành luật năng lượng trong đó có luật năng lượng tái tạo và sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Cần có cách nhìn đúng đắn và công bằng với năng lượng tái tạo nói chung và nhiên liệu sinh học nói riêng. Bất cứ quốc gia nào không đặt nền móng ngay từ bây giờ cho sự phát triển bền vững sẽ trở nên chậm chạp trong cuộc cạnh tranh. Các nhà kinh tế - môi trường nhiều nước cho rằng sự tiếp cận với năng lượng được sản xuất một cách bền vững vừa là chính sách năng lượng, chính sách khí hậu tích cực, đó cũng là chính sách hòa bình.

Vậy tại sao năng lượng tái tạo nguồn vô tận trên hành tinh vẫn chưa nhập cuộc, vẫn đang đi bộ trên đường đua trong khi năng lượng hóa thạch sẽ cạn kiệt vào cuối thế kỷ này.

(Nguồn: CKVN)

22.8.05

Thủ Đô Nhật Bản thử nghiệm những nguồn năng lượng mới

Tin ngày: Thứ Ba, 19/04/2005 11:56 GMT+7
Thủ Đô Nhật Bản thử nghiệm những nguồn năng lượng mới

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang thử nghiệm những nguồn năng lượng mới không gây ô nhiễm: năng lượng bằng sức gió, năng lượng từ sự chênh lệch nhiệt độ của nước thải...

Nước thải ở Kabukicho, khu vui chơi giải trí ở Tokyo với hơn 5.000 quán bar, nhà hàng được tập hợp trên diện tích 36.000m2, đang tạo ra năng lượng cần thiết để sưởi ấm và điều hoà không khí cho 6 toà nhà đồ sộ trên tổng diện tích 22 hecta ở Koraku (một khu thương mại). Nhiệt độ nước thải, nước cống thường mát hơn nước sinh hoạt và không khí ở bên ngoài cống vào mùa hè, và ấm hơn vào mùa đông. Ý tưởng của các nhà khoa học Nhật Bản là lợi dụng sự chênh lệch nhiệt độ này để áp dụng cho các hệ thống điều hoà không khí đã trở thành hiện thực, nhờ một thiết bị trao đổi nhiệt được đặt tại trạm bơm ở Korachu. Công ty TSE (Tokyo Sewarage Energy) đã lắp đặt hệ thống này tại đây vì đó là khu tiêu thụ nhiều năng lượng và nhất là ở đó luôn có rất nhiều nước thải. Các toà nhà trong khu vực đã được hưởng theo mùa sự điều hoà không khí và cả nhiệt độ nước sinh hoạt, trung bình nước ấm 47oC hoặc mát ở 7oC.

Tháng 4/2003, TES đã đưa vào hoạt động một hệ thống điều hoà mới, nhưng đặt ở khu vực khác. Tại đó trung tâm xử lý nước thải cung cấp năng lượng cho một khu dân cư và công sở rộng 13 hecta. Người ta đã sử dụng nhiệt toả ra khi xử lý nước thải, đốt rác và bùn. Theo TES, nhờ sử dụng nguồn năng lượng này mà lượng khí thải CO2 đã giảm 60% và lãnh đạo của TES còn tuyên bố phải “đánh thức” hết những nguồn năng lượng còn đang “ngủ” trong thành phố.

Tokyo đang nỗ lực sử dụng những nguồn năng lượng có thể tái tạo và không gây ô nhiễm. Việc lắp đặt 2 tổ máy phong điện (cao 40m) đã được tiến hành từ tháng 10/2002. Công ty J-Wind Tokyo xây dựng và quản lý các nhà máy điện dùng sức gió này (hoạt động với công suất 2,5 triệu KWh), đáp ứng nhu cầu điện cho 800 hộ gia đình. Lãnh đạo thành phố còn dự định lắp đặt thêm 3 nhà máy phong điện mới cùng đối tác hoạt động không vì mục đích vụ lợi. Theo ông Akira Sawa, Phó Giám đốc phụ trách các vấn đề toàn cầu thuộc Sở Môi trường Tokyo, Nhật đã đưa vào sử dụng một nhà máy thí điểm sản xuất nhiên liệu rắn từ gỗ được khai thác ở rừng. Các nhà khoa học nước này cũng đang nghiên cứu việc xây dựng một nhà máy điện sử dụng mêtan (được tạo ra từ việc xử lý các chất thải được chôn ở phía bắc Vịnh Tokyo).

Các nhà lãnh đạo Tokyo còn cho lắp đặt các nhà máy phát điện sức nước trong các trung tâm xử lý nước thải. Theo tờ Nihon Keizai Shimbun, đó là hệ thống có khả năng sản xuất 200.000KWh mỗi năm nhờ một thác nước nhân tạo cao 5m. Đó là thành quả của một công trình nghiên cứu mà chính quyền thành phố và Công ty Tokyo Electric Power tiến hành. Tokyo dự định nhân rộng mô hình này ra 12 trung tâm nằm trên 23 quận của thủ đô. Nếu tất cả các dự án sử dụng những nguồn năng lượng có thể tái tạo được đi vào hoạt động, Tokyo sẽ cung cấp nhiều triệu kilooat giờ điện mỗi năm, đáp ứng nhu cầu điện cho hàng trăm nghìn hộ gia đình. Điều đó có nghĩa là giảm được 118.000 tấn CO2 thải ra hàng năm.

Tuy nhiên, thủ đô Tokyo vẫn chỉ sản xuất được khoảng 5% lượng điện mà nó tiêu thụ (khoảng 79,5 tỷ KWh) và sự phụ thuộc vào những nguồn điện từ các vùng khác vẫn chiếm phần lớn. Nói chung sự đóng góp của các nguồn năng lượng mới vào việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính chỉ rất nhỏ nếu xem xét đến mục tiêu đặt ra tới năm 2010 (giảm 6% so với mức năm 1990, tức ở mức 52 triệu tấn). Nhưng dù sao, Tokyo đã nỗ lực rất nhiều trong việc giảm khí CO2 ở các nhà máy công nghiệp. Xét cho cùng, dù người ta có thể phát triển được nhiều dạng năng lượng mới đi nữa thì cũng không thể chống lại hiệu ứng nhà kính, nếu không có sự tiết kiệm năng lượng từ phía người tiêu dùng.

(Nguồn: TTQLNĐ)

Khai thác năng lượng mặt trời: Việt Nam cần xây dựng Luật phát triển năng lượng tái tạo


Theo phòng tính của các nhà khoa học : năng lượng mặt trời tới được trái đất chúng ta trong vòng 72 giờ, tương đương với năng lượng có được từ các mỏ than, dầu và khí thiên nhiên trên toàn thế giới. Vấn đề là làm sao con người có thể tận dụng một cách hiệu quả nguồn năng lượng gần như vô tận này.

Hiện nay, các nguồn năng lượng mà con người đang tiêu dùng là 41,76% dầu mỏ, 24,72% than, 21,16% gas, 6,25% năng lượng nguyên tử, 6,11% thuỷ điện, các nguồn năng lượng khác như mặt trời, gió, sinh học, địa nhiệt, thuỷ triều... chỉ chưa được 1% nhu cầu về năng lượng của nhân loại. Trong khi đó, các nguồn năng lượng truyền thống: dầu khí, gas, than đá ngày càng cạn kiệt, giá cả bất ổn, năng lượng nguyên tử ngày nay đã có những công nghệ an toàn hơn, song không phải là không có rủi ro, lại còn phải lo đến "các kho chứa chất thải hạt nhân"... Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho các nhà quản lý, các nhà khoa học trên thế giới là phải tìm kiếm những nguồn năng lượng mới có tính khả thi cao và bền vững để thay thế các nguồn năng lượng truyền thống đang bị cạn kiệt dần.

Thế giới khai thác năng lượng mặt trời

Năm 1978, Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật có tên "chính sách xã hội trong lĩnh vực các nguồn năng lượng" nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất các loại năng lượng thay thế. Năm 2000 Đức ban bố "Luật phát triển năng lượng có khả năng tái sinh". Các công ty nghiên cứu phát triển công nghệ này được Chính phủ Đức trợ cấp kinh phí, các hộ gia đình sử dụng nguồn năng lượng này cũng được trợ cấp kinh phí, đến năm 2003 đã có 100.000 nóc nhà được lắp đặt pin mặt trời để phát điện... năm 2002 có 90 quốc gia trong thành phần liên minh năng lượng phục hồi Johannesburg chính thức thoả thuận tăng số tiền đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ở Nhật Bản, chỉ riêng năm 2000 đã tăng lượng điện mặt trời lên tới 128 MW (gấp 4 lần trước đó); Philipines điện mặt trời đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho 400.000 dân, 250.000 ngôi nhà được lắp đặt pin mặt trời ở Sri Lanka. Trung Quốc, Mexico. Từ những năm 90 ở Đức, Thuỵ Sỹ đã có hàng ngàn toà nhà được lắp đặt các tấm pin thu năng lượng mặt trời theo chương trình hỗ trợ tài chính của Chính phủ, ở Kenya, từ 1993 số nhà sử dụng năng lượng điện mặt trời còn nhiều hơn số nhà được hệ thống điện quốc gia cung cấp. Nam Phi triển khai nhiều chương trình lớn giúp đảm bảo được hệ thống điện năng lượng mặt trời cho hàng triệu người dân. Ở Brazil, những vùng xa xôi hiểm trở như Amazon, điện năng lượng mặt trời chiếm vị trí đầu bảng. Khối EU có trên 25 triệu m2 thu năng lượng mặt trời dùng để phát điện và đun nước nóng. Israel có luật bắt buộc nhà ở phải có bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời... và có những khu phố giờ cao điểm sẽ cúp điện quốc gia.

Nhờ chính sách khuyến khích đầu tư khai thác năng lượng mặt trời, giá thành 1 kWh điện mặt trời chỉ còn 3 - 23 cent, so với 20 năm trước người sử dụng phải tốn 2,5 USD. Theo dự tính đến năm 2020, điện năng lượng mặt trời ở Mỹ sẽ đảm bảo 15% năng lượng tiêu thụ của cả nước. Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này như Shap Corporation của Nhật Bản hiện chiếm 27% thị trường sản xuất pin mặt trời của thế giới, General Electric đi đầu trong việc sản xuất thiết bị dùng cho các trạm phát điện bằng sức gió.

Nước ta cần sử dụng nguồn năng lượng mặt trời

Nước ta do nằm trong vùng nhiệt đới, nắng nóng gần như quanh năm, nhất là các tỉnh phía Nam (trừ những ngày có mưa rào), có thể nói trên 90% số ngày trong năm đều có thể sử dụng năng lượng mặt trời để đun nước nóng dùng cho sinh hoạt. Các nhà khoa học cho biết: ở Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày nhận được 5,5 kWh/m2, có nghĩa là bức xạ năng lượng mặt trời xuống thành phố bằng năng lượng điện cả nước sản xuất trong 5 tháng, nguồn tài nguyên vô tận đó còn bị lãng quên.

Để đất nước phát triển bền vững, việc khai thác các nguồn năng lượng không tái tạo như than đá, dầu mỏ, khí đốt... phải hợp lý và sử dụng tiết kiệm. Do đó, đẩy mạnh nghiên cứu - ứng dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, khí sinh học, địa nhiệt...) cần đặc biệt quan tâm và phải trở thành chiến lược quốc gia trong nhiều năm sắp đến. Trong các thập niên qua, mặc dù chúng ta đã thu được những kết quả nhất định trong việc nghiên cứu - ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời vào cuộc sống ở một số nơi, song vẫn còn mang tính tự phát, chưa có định hướng phát triển lâu dài và chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể, giá thành pin mặt trời, các thiết bị đun nước nóng... còn cao so với thu nhập của người dân.

Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Hội khoa học kỹ thuật xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra một số đề xuất: cần có một cơ quan (viện) chuyên nghiên cứu - ứng dụng năng lượng tái táo, quan trọng nhất là năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí sinh học (biogas)... nhằm xử lý phế liệu nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... cơ quan này sẽ xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, đồng thời đề đạt những chính sách cụ thể trong việc khuyến khích đầu tư, ứng dụng năng lượng tái tạo. Gửi một số kỹ sư có năng lực, có nhiệt tình tiếp tục tu nghiệp ở các nước đi đầu trong lĩnh vực này như: Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức, Israel... mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, tiếp tục chuyển giao công nghệ về năng lượng tái tạo, ứng dụng phù hợp với điều kiện của nước ta. Có chính sách ưu đãi kêu gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư sản xuất pin mặt trời, thiết bị nấu bằng năng lượng mặt trời, thiết bị phát điện bằng năng lượng gió. Giá pin mặt trời, thiết bị nấu nước nóng... hiện nay đã rẻ hơn nhiều so với trước, song vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, chưa thể xã hội hoá rộng rãi được, nhất là ở nông thôn, miền núi, hải đảo... Nhà nước nên tác động để hạ giá thành sản phẩm sao cho người dân có thể chấp nhận được.

Những doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất pin mặt trời, thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời thì được Nhà nước cho vay vốn với lãi suất ưu đãi trong thời gian cần thiết, được tạo điều kiện về mặt bằng, nhà xưởng cũng như các hạ tầng kỹ thuật khác; được miễn hoặc giảm các loại thuế trong vòng 10 năm, được như vậy giá thành sản phẩm chắc sẽ giảm nhiều so với hiện nay.

Trước mắt cần phát triển thiết bị đun nóng bằng năng lượng mặt trời vì đây là công nghệ không quá phức tạp, phù hợp với trình độ khoa học và công nghệ nước ta, lại có phạm vi ứng dụng vô cùng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thiết bị đun nóng bằng năng lượng mặt trời được nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Trung Quốc... và lắp ráp trong nước với giá bán rất khác nhau: Solabart của Mỹ, loại 180 lít giá khoảng 1.500 USD; thiết bị của Australia loại 300 lít có giá khoảng 1.750 USD; Sunflower của Tân Á loại 120 lít có giá 4.250.000 đồng, loại 200 lít giá 7.500.000 đồng; Công ty Việt Văn có giá bán 1.900.000 - 2.900.000 đồng/máy; Helio của Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh loại 200 lít giá 3.400.000 đồng rẻ nhất hiện nay là sản phẩm của trường Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh do PDS.TS Lê Chí Hiệp chủ trì, loại 200 lít là 1.963.000 đồng... và còn nhiều cơ sở khác cũng tham gia thị trường này nhưng chất lượng thì khó xác định.

Nhà nước nên sớm xây dựng và ban hành luật "phát triển năng lượng tái tạo" riêng với năng lượng mặt trời thì cần quy định rõ: khi xây dựng nhà (nhất là nhà cao tầng) phải dùng nóc nhà để lắp đặt pin mặt trời để phát điện, hoặc thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, có thể kết nối thành một mạng lưới trung tâm để có thể điều hoà giữa hộ sử dụng theo sự thoả thuận của những hộ cùng trong một mạng. Nhiều khu nhà cũ có thể cải tạo để khai thác năng lượng mặt trời vừa có lợi cho đất nước vừa có lợi cho người tiêu dùng.

(Nguồn: TBKT)

Khai thác nguồn năng lượng đại dương và mặt trời


Với dự kiến dân số thế giới sẽ tăng lên 10 tỷ người vào năm 2050, việc cung cấp điện giá rẻ, thân thiện với môi trường để đáp ứng các nhu cầu cơ bản quả là một thách thức nghiệt ngã.

Tận dụng nguồn năng lượng thủy triều thực sự là bước ngoặt trong sản xuất năng lượng sạch, không ô nhiễm môi trường. Người Na Uy đã kết nối vào mạng lưới điện quốc gia của họ dòng điện phát ra từ tua bin nước đầu tiên, mà năng lượng được tạo ra từ những cánh quạt quay nhờ dòng nước biển. Đến cuối năm nay, họ sẽ hoàn thành xây dựng 20 nhà máy tiếp theo.

Nhà máy điện của Na Uy có ưu điểm mà không nguồn năng lượng tái tạo nào có được đó là hoàn toàn không lệ thuộc vào thời tiết. Bất chấp hoàn cảnh, có gió hay lặng gió, trời nắng hay mưa... dòng thuỷ triều vẫn không bị ảnh hưởng và dòng điện phát ra vẫn có công suất không đổi. Người Anh cũng có kế hoạch đầu tư tương tự. Giới chuyên gia địa phương ước tính rằng, nước biển có thể đảm bảo cho họ tới 25% nhu cầu năng lượng cần thiết.

Dẫu ý tưởng xây dựng nhà máy điện thuỷ triều không phải là mới, song phương thức khai thác của người Na Uy rất sáng tạo. Thiết bị công nghệ loại này đầu tiên trên thế giới được Pháp chế tạo và lắp đặt ở cửa sông từ năm 1967. Công trình đó đến nay vẫn còn hoạt động và có công suất 240 MW. Những nhà máy điện cùng loại thí điểm cũng xuất hiện ở Trung Quốc, Ấn Độ, Canađa và LB Nga.

Nguyên lý hoạt động của những nhà máy điện sử dụng năng lượng nước biển đã khai thác cũng giống như nhà máy thuỷ điện truyền thống: Thoạt đầu dòng nước chảy đầy những "thùng chứa" đặc biệt, làm quay tuabin phát điện, sau đó nước từ thùng chứa thoát ra trở lại đại dương.

Bên cạnh những mặt mạnh là không gây ô nhiễm môi trường, nhà máy điện sử dung năng lượng nước biển vẫn không tránh khỏi một số khiếm khuyết. Tương tự trường hợp đập nước trên sông, nhà máy điện kiểu này cũng gây rào cản không thể vượt qua đối với hải sản và gây khó khăn cho giao thông đường thuỷ. Chính vì lý do như vậy, Chính phủ Pháp đã tạm dừng kế hoạch triển khai xây dựng 20 công trình tiếp theo. Theo tính toán của giới phản đối việc xây dựng, thí dụ - chỉ một đập nước trên sông Ranh cũng làm đảo lộn môi trường biển trong bán kính 500 km.

Mãi đến những năm 90 thế kỷ trước, người ta mới nghĩ ra phương pháp tận dụng năng lượng thuỷ triều một cách sạch nhất, đó là các “cối xay" dưới nước. Chúng quay nhờ dòng nước biển chuyển động. Tua bin thí nghiệm đầu tiên được lắp đặt tại khu vực Loch Lihne, ở Xcốtlen, năm 1995. Nó được cột vào mỏ neo nằm dưới đáy biển và chỉ tạo nguồn năng lượng công suất 15 kw.

Đầu năm nay, tuabin có công suất lớn hơn nhiều (300 kw) lần đầu tiên được nối vào mạng điện quốc gia. Cánh quạt ngầm dưới đáy nước được gắn cố định xuống đáy biển. Công trình hoạt động tại eo biển Kvalsund, gần thành phố biển Na Uy Hammerfest. Thiết bị có trọng tải ngót 200 tấn. Đến cuối năm nay, Na Uy dự định lắp đặt 20 tuabin như thế, đảm bảo cung cấp điện cho thị trấn 1,1 ngàn dân. Chi phí công trình khoảng 50 triệu curon Na Uy (20 triệu USD).

Cơ chế hoạt động của tuabin Na Uy khá đơn giản: ở eo biển liên tục có dòng nước chảy do thuỷ triều, gây sóng cao tới 3 mét. Suốt nửa ngày dòng chảy đẩy nước biển chuyển động vào vịnh với vận tốc lên tới 2,5 mét/ giây, suốt nửa ngày sau - nước thuỷ triều rút cũng tạo ra dòng chảy với tốc độ tương tự. Vì thế, những "cối xay" ngầm được trang bị cánh quạt có thể quay suốt ngày. Những "cánh" của tuabin nằm ở độ sâu 17 mét dưới mực nước biển (eo biển sâu 50 mét), nên không cản trở gì hoạt động đi lại của tàu biển. Đồng thời cá tôm bơi qua cũng an toàn bởi tuabin phát điện quay với tốc độ rất chậm (7 vòng/ phút).

Hiện thời, cản trở duy nhất để mở rộng nhà máy điện ngầm dưới biển là giá thành sản phẩm. Cho dù không cần nhiên liệu, nhưng chi phí xây dựng cao tới mức giá sản phẩm điện đắt hơn 3 lần so với nguồn điện truyền thống. Việc xây dựng ở Na Uy triển khai được chủ yếu nhờ tiền của các doanh nghiệp và trợ giủp của Chính phủ. Dĩ nhiên, các chủ tư bản bao giờ cũng làm ăn có mục đích. Ngay khi ý tưởng được chấp nhận, sẽ xuất hiện thị trường tuabin nước loại này trị giá hàng trăm triệu USD.

Ngoài Na Uy, người Anh cũng tích cực xúc tiến chương trình xây dựng nhà máy điện dưới biển. Gần đây họ đã đưa vào khai thác công trình tương tự như Na Uy (công suất 250 kw). Sự khác biệt độc nhất là tuabin của Anh lắp đặt trên thân cột mà một phần cánh quạt nhô lên mặt nước. Cho dù giải pháp này gây cản trở hoạt động giao thông hàng hải, nhưng lại tiết kiệm được đáng kể chi phí dịch vụ để kéo thiết bị lên khỏi mặt nước khi cần thiết mà không cần thợ lặn. Hãng Marine Current Turbines, đơn vị thực hiện dự án đã có kế hoạch lắp đặt hàng trăm tuabin tiếp theo dọc bờ biển phía Tây nước Anh. Họ cũng đang thiết kế tuabin kép, công suất 1,2 MW. Lãnh đạo của hãng khẳng định rằng, việc xây dựng vài ngàn máy phát điện dưới biển dọc bờ biển phía Tây nước Anh và xứ Uên sẽ cho nguồn năng lượng tương đương 50% sản lượng điện các nhà máy điện hạt nhân hiện đang hoạt động.

J.Markins. Giám đốc Cơ quan nghiên cứu khái niệm tiên tiến của NASA phát biểu: "Cần phải tìm ra những nguồn điện mới, và hiện đã tiến hành nghiên cứu nhiều khái niệm về điện mặt trời thu được từ vũ trụ. 15 năm gần đây, đã có những tiến bộ to lớn về những công nghệ có liên quan".

Công cuộc nghiên cứu hệ thống điện mặt trời trên vũ trụ (SSP) bắt đầu từ sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ giữa những năm 70. Hệ thống SSP ứng dụng những nguyên tắc vật lý đã được hiểu biết rất rõ, đó là sự biến đổi ánh sáng thành dòng điện nhờ tế bào quang điện (PV). Để thu được điện trên vũ trụ có thể đặt hàng loạt tế bào quang điện ở trên quỹ đạo địa tĩnh của Trái đất hoặc trên Mặt trăng. Hệ thống này thu lấy năng lượng mặt trời trong vũ trụ, biến thành sóng vi ba và truyền bức xạ vi ba về Trái đất, nơi có đặt những trạm an ten để thu và biến thành điện.

Căn cứ vào bài báo đăng trên Tạp chí của Viện nghiên cứu điện năng (EPRI), thì các dãy pin Mặt trời đặt trên quỹ đạo địa tĩnh của Trái đất trung bình nhận được lượng điện năng lớn gấp 8 lần so với khi đặt trên Trái đất. Những dãy pin này không chịu ảnh hưởng của mây, bụi và ban đêm.

Khi ý tưởng về việc sản xuất điện trong vũ trụ được đề xuất lần đầu tiên cách đây 30 năm, thì công nghệ pin mặt trời mới ở giai đoạn sơ khai. Hiệu suất biến đổi của pin lúc đó chỉ đạt 7- 9%. Ngày nay công nghệ đã có được tiến bộ to lớn, với hiệu suất biến đổi là 42-56%.

Tuy nhiên, việc đưa những hệ thống pin mặt trời nặng hàng nghìn tấn vào vũ trụ sẽ tốn kém. Nhưng có cách để giảm diện tích cần thiết của pin nhờ tập trung ánh sáng. Nếu ta dùng những gương hoặc thấu kính lớn để hội tụ ánh sáng thì tiết kiệm được rất nhiều tiền, vì pin mặt trời là bộ phận đắt tiền nhất. Nhược điểm của việc hội tụ ánh sáng là nhiệt. Phần bức xạ hội tụ không được biến thành điện sẽ tạo thành nhiệt, đủ để làm hỏng pin mặt trời. Marzwell và các cộng sự ở JPL đang nghiên cứu các phương pháp để tận dụng được lượng nhiệt thải ra này, biến nó thành điện bằng các quá trình nhiệt điện. Nếu dùng các chất phủ đặc biệt cho gương và thấu kính thì có thể loại bỏ phần phổ ánh sáng mà PV không sử dụng được, giúp giảm được lượng nhiệt sản sinh ra ở bề mặt pin.

Sau khi có điện sản xuất ở trên vũ trụ, ta sẽ làm gì? Một phương án là biến nó thành bức xạ vi ba rồi dọi về Trái đất. Ở trên Trái đất, những dàn anten hình chữ nhật, phân bố ở những vùng hẻo lánh sẽ chuyển sóng vi ba thành dòng điện một chiều. Theo Marzwell, những nguy hiểm khi lại gần tia vi ba cũng tương tự như các trường hợp truyền sóng điện thoại di động, lò vi sóng hay các đường dây truyền tải điện cao áp.

"Theo Marzwell, có thể giảm bớt rủi ro bằng cách đặt các anten ở trên sa mạc, hoặc các vùng ít dân cư".

Phương án dùng laze hiện cũng đang được cân nhắc để đưa điện từ vũ trụ về. Dùng laze có thể khắc phục được những nhược điểm liên quan đến vi sóng, nhưng do phải tuân thủ hiệp ước với Nga nên Mỹ đã cấm không dùng laze công suất lớn để truyền về Trái đất.

Nhìn chung, những mặt tích cực của hệ thống xem ra hơn hẳn. Hệ thống điện đặt trong vũ trụ sẽ cung cấp một lượng điện vô tận, không có phát thải và rất ít ảnh hưởng tới môi trường. Theo Marzwell, giá điện từ vũ trụ hiện nay là 50-80 cent/kwh, có tính đến chi phí xây dựng hệ thống. Ông tin rằng sau 15-20 năm nữa, con số này sẽ giảm còn 7-10 cent (giá điện trên thị trường hiện nay là 5-6 cent).

(Nguồn: TCĐL)

Khuyến khích sử dụng năng lượng ''Xanh''


Năng lượng ''xanh'' đã trở thành từ thông dụng để chỉ các dạng năng lương tái tạo nói chung. Sử dụng năng lượng xanh thay vì nhiên liệu hóa thạch góp phần bảo vệ môi trường, giữ mãi màu xanh cho trái đất.

Đành rằng năng lượng xanh đắt hơn, tuy nhiên thuyết phục người sử dụng điện sinh hoạt dùng năng lượng xanh không đến mức quá khó khăn như một số người nghĩ. Dẫu vậy, các công ty điện lực cần tích cực hơn nữa trong việc khuyến khích những ai đã sẵn sàng chuyển sang dùng năng lượng xanh, mà ở châu Âu lượng khách hàng này đã lên tới bảy triệu.

Trước khi xảy ra hiện tượng tăng đột biến về số lượng khách hàng sử dụng biểu giá điện "xanh" ở Hà Lan trong vòng hai năm qua thì thị trường năng lượng xanh trong sinh hoạt ở Châu Âu chẳng có gì để tự hào. Thực vậy, nếu không tính đến 2,2 triệu khách hàng người Hà Lan thì ở Châu Âu, mức thâm nhập trung bình của biểu giá xanh trong lĩnh vực điện sinh hoạt là không đầy 0,5%. Dẫu vậy, có người vẫn cho rằng thành công của thị trường Hà Lan là do có sự hỗ trợ đáng kể về thuế từ phía Chính phủ và do điều kiện đặc biệt ở nước này. Thị trường năng lượng "xanh" cạnh tranh được mở ra sớm hơn so với thị trường điện tiêu chuẩn.

Trong tình hình như vậy, thật ngạc nhiên khi Datamonitor tiên đoán tới năm 2008, có tới 7 triệu khách hàng tại 6 nước Châu Âu có thể sẽ chuyển sang các hình thức biểu giá năng lượng xanh. Thực vậy cho đến nay chỉ có trường hợp duy nhất là Hà Lan, nơi mà 32% khách hàng hiện đang sử dụng năng lượng xanh, có thể chứng minh trên thực tiễn rằng ý thức môi trường vẫn là sức mạnh tiềm ẩn trong các khách hàng ở nhiêu nước.

Sử dụng năng lượng xanh trong sinh hoạt

Con số dự đoán rất cao, bảy triệu khách hàng mà Datamonitor đưa ra một phần phụ thuộc vào vai trò của các Chính phủ trong những năm tới. Cho đến nay, các Chính phủ còn ít chú ý khuyến khích khách hàng sinh hoạt sử dụng biểu giá xanh và chỉ chú trọng vào việc buộc các nhà sản xuất điện và các công ty điện lực phải cung cấp một sản lượng điện xanh nhất định. Do vậy, cho đến nay khách hàng sinh hoạt hầu như còn chưa vào cuộc, nhiều người còn chưa biết rằng họ có thể chọn sử dụng năng lượng xanh hoặc thậm chí không biết những gì mà năng lượng xanh sẽ đem lại. Tuy nhiên khi mà các chỉ tiêu về môi trường ngày một trở nên thúc bách hơn, người ta sẽ phải chú ý nhiều hơn đến mức tiêu thụ năng lượng đáng kể của khách hàng sinh hoạt và kéo theo đó là góp phần gây hậu quả ấm lên toàn cầu.

Thế nhưng trong khi đó, khách hàng vẫn còn bối rối không mấy hiểu về các phương án xanh đang mở ra cho họ. Các công ty điện lực hầu như vẫn chỉ coi năng lượng xanh như một phương tiện làm đẹp bộ mặt công ty. Thực vậy theo khảo sát của Datamonitor về các công ty điện lực hàng đầu ở châu Âu thì 75% các giám đốc tin rằng năng lượng xanh góp phần rất quan trọng đối với hình ảnh của công ty, trong khi đó chỉ có hai vị nêu rõ vấn đề môi trường là động lực thúc đẩy các phương án chỉ tiêu về năng lượng xanh.

Ngân sách tiếp thị nhằm nâng cao nhận thức của khách hàng để họ tham gia vào năng lượng xanh do vậy còn rất hạn chế, những nỗ lực nhằm thuyết phục khách hàng chuyển sang sử dụng năng lượng xanh còn chưa là bao. Dẫu vậy, các công ty điện lực bên Mỹ đã đạt được tỉ lệ chuyển đổi từ 5% ỉtở lên, mà ngân sách hằng năm không đến 100.000 USD. Thực vậy, các ví dụ mà các công ty điện lực Mỹ đề ra - theo đó nói chung phải mua điện năng với giá cao hơn, ngược lại với giai đoạn đầu phát triển bùng nổ ở Hà Lan, người ta thu hút bằng biểu giá xanh giảm giá - cho thấy các công ty điện lực không nên giới hạn các chương trình năng lượng xanh trong phạm vi chỉ để có được hình ảnh tốt đẹp về mặt môi trường.

Bài học mà phấn lớn các công ty điện lực châu Âu còn phải lĩnh hội là muốn thành công họ phải sửa đổi lý thuyết marketing sao cho phù hợp. Mặc dù các công ty điện lực ngày càng có trình độ nghiệp vụ cao và hoạt động hiệu quả hơn khi nhằm mục tiêu vào các nhóm khách hàng điện tiêu chuẩn, thế nhưng các sản phẩm năng lượng xanh chịu tác động của tình cảm lại tuân theo những qui luật và lý thuyết tiếp thị khác biệt đáng kể. Những thông lệ tốt nhất được tuân thủ ở Mỹ cho thấy cần phải chú trọng hơn đến công tác vận động quần chúng, và đối với một vấn đề thực sự nghiêm túc, khách hàng không chấp nhận kiểu gửi thư vận động, họ ưa cách tiếp cận thẳng thắn, dựa trên các dữ kiện thực tế.

Thiện ý của khách hàng

Có một thực tế đã trở nên rõ ràng là nhiệt tình của khách hàng không chỉ dừng ở mức chấp nhận biểu giá xanh, hỗn hợp, theo đó trong sản lượng điện tiêu thụ chỉ đảm bảo một tỉ lệ nào đó là từ các nguồn xanh, cụ thể là thủy điện, năng lượng gió, sinh khối, năng lượng mặt trời hoặc một kiểu phát điện nào đó. Đây có thể coi là tin tốt cho những công ty điện lực có ít hoặc không có sẵn nguồn năng xanh.

Hiện nay, cung ứng năng lượng xanh thường đi kèm với hệ quả là phải trả lại các chứng chỉ giao ước năng lượng tái tạo (renewables obligation celtiflcate ROC) mà lẽ ra đã có thể đem bán kiếm lời, hoặc phải mua các ROC để làm tròn các nghĩa vụ mới về cung ứng năng lượng xanh. Tuy nhiên khảo sát cho thấy khách hàng sẵn lòng trả giá cao hơn thậm chí có khí chỉ vì một sản lượng năng lượng xanh tối thiểu; điều này cùng với những lợi ích về giá trị thời gian giữ khách (tức là khoảng thời gian một khách hàng mua điện của công ty điện lực, cho đến khi rời bỏ và chuyển sang mua điện của công ty khác theo hợp đồng) thông qua việc giảm lượng quay vòng; khiến việc cân bằng lại đẳng thức này là hoàn toàn đáng bỏ công sức để làm.

Rõ ràng là sẽ gặp rủi ro đáng kể nếu như đầu tư xúc tiến để thu hút vào lĩnh vực được coi là một thị trường nhỏ chuyên biệt. Đa số các công ty điện lực cũng như các doanh nghiệp khác đều phải sinh lời để làm vừa lòng các cổ đông. Cho đến nay, người ta vẫn lập luận rằng thị trường năng lượng xanh thật quá nhỏ nhoi và để khai thác nó cần có ngân sách tiếp thị lớn. Tuy nhiên như các công ty điện lực Mỹ chứng tỏ, với cách tiếp thị khôn khéo có thể mở rộng đáng kể thị trường, chi phí bỏ ra là tương đối thấp. Các phát hiện bổ sung cho thấy tỉ lệ khách hàng xanh (tức là khách hàng có tiêu thụ năng lượng xanh) có ý định rời bỏ công ty điện lực là thấp hơn ba lần, và rằng họ có thái độ tích cực đối với công ty cung ứng điện (khác với thái độ thường thấy là tiêu cực hoặc thờ ơ). Khách hàng xanh không chỉ ít nhạy cảm hơn đối với giá điện, họ còn trung thành hơn, hài lòng hơn, và có giá trị ,thời gian giữ khách lớn hơn. Trong bối cảnh đó, người cung ứng điện cần đánh giá lại mức hỗ trợ cho các biểu giá xanh.

Dầu vậy, nhiều nhà cung ứng điện có thể dẫn ra một thực tế là họ đã lập biểu giá xanh, thế nhưng số khách hàng đến tìm hiểu còn ít chứ đừng nói đến chuyện đặt bút ký hợp đồng (chưa đẩy 1% dân châu Âu). Ngược lại theo ước tính của Datamonitor thì tiềm năng thị trường tổng ở châu Âu về năng lượng xanh giá cao có thể lên tới 35 triệu khách hàng, tức là gần 23% cơ sở khách hàng. Đúng là như vậy mặc dầu phải thừa nhận một thực tế là sức thu hút thị trường của một số sản phẩm tương tự như đầu tư cho mục đích hợp đạo lý, cà phê Fair Trade, bột giặt Ecover thân thiện về sinh thái, chỉ giành được một lượng ít ỏi những khách hàng giác ngộ nhất và nhiệt huyết nhất về môi trường mà thôi.

Như vậy có vẻ như có khoảng cách lớn giữa những khách hàng tự coi là ủng hộ năng lượng xanh và lượng nhỏ nhoi khách hàng sẵn lòng mua các sản phẩm này. Vậy tại sao đội ngũ bán hàng cứ thất bại mãi trong công việc này. Datamonitor tin rằng vấn đề là ở chỗ khách hàng chưa nhận thức, chưa nhập cuộc hoặc nghi ngại đối với sản phẩm chào bán. Ngược lại, thị trường nước đóng chai rất thành công vì nó dựa trên những lợi ích - như người ta nói - về sức khỏe và ý niệm về sự tinh khiết. Thị trường này đã tăng vọt cả về giá trị và khối lượng là nhờ được tiếp thị rất mạnh. Áp dụng điều này vào thị trường năng lượng xanh, các công ty điện lực Hà Lan như Essent, Nuon, Eneco đã sử dụng ngân sách tiếp thị của họ kết hợp với sự hỗ trợ từ trước của Chính phủ về mặt thuế khóa nên đã thành công trong việc vận động 32% khách hàng chuyển sang biểu giá xanh.

Lôi cuốn người dân tham gia

Như vậy, hàng rào ngăn cản năng lượng xanh phát triển sang phần còn lại của châu Âu không nhất thiết đã là sản phẩm chào bán, bởi lẽ từ nhiều năm nay năng lượng xanh đã được bán trên thị trường nhiều nước như Đức, Phần Lan, Thụy Điển và Anh. Vấn đề là ở chỗ khách hàng chưa thực hiểu và tin tưởng vào năng lượng xanh như một ý niệm. Cần khơi dậy nhận thức, sự hiểu biết và ủng hộ đối với ý niệm về sản phẩm. Vấn đề then chốt để chuyển biến từ việc chấp nhận sang hành động cụ thể là phải làm sao để khách hàng hiểu rằng sự đóng góp của họ sẽ đem lại lợi ích cho môi trường, đồng thời để họ thấy rõ nỗ lực của họ được thừa nhận.

Thực vậy kết quả điều tra nhóm trọng điểm các khách hàng cho thấy họ chỉ tham gia nếu như mọi người khác cùng tham gia. Để lôi kéo rồi sau đó giữ được khách hàng ít hăng hái nhất đối với vấn đề môi trường, các công ty điện lực phải có hình thức khen thưởng đối với khách hàng và làm sao để khách hàng tự cảm thấy hài lòng vì đã làm cho thế giới họ đang sống tốt đẹp hơn. Ví dụ như Điện lực Utah đã tặng danh hiệu ''Cộng đồng bầu trời xanh'' cho những làng hoặc đô thị có tỷ lệ khách hàng sử dụng nặng lượng xanh từ 5% trở lên.

Nếu như chỉ sử dụng loại thông điệp tiếp thị lời lẽ sơ sài, kém tính thuyết phục, ngân sách tiếp thị lai hạn chế thì sẽ không thể thu hút được đa số ban đầu các khách hàng ''xanh nhạt'', kết quả sẽ là kịch bản thấp chỉ có 2% khách hàng chuyển sang biểu giá xanh vào năm 2008. Về cơ bản điều này cũng tương tự như những vấp váp của một số hợp tác xã, các sản phẩm và dịch vụ khác chịu tác động của tình cảm con người..

Ông Alex Patient thuộc Datamonitor, chuyên gia về phân tích các công ty điện. lực, nói: “Cho đến nay các công ty điện lực vẫn thận trọng khi nhằm vào một thị trường được đánh giá là tốn kém, ít mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, với cách làm tốt nhất, đặc biệt như các công ty điện lực Hà Lan và Mỹ đã chứng tỏ, không nhất thiết đã là như vậy, hơn nữa còn có những lợi ích đáng kể về hình ảnh công ty, về sự trung thành của khách hàng, và về giá trị của khách hàng.

Nếu các công ty điện lực muốn khai thác thành công tiềm năng rộng lớn của thị trường xanh thì ngoài việc phải dành ngân sách lớn hơn, trong thời gian dài hơn cho các nhà tiếp thị, họ còn phải vận dụng các lý thuyết tiếp thị đánh vào tình cảm con người và đem áp dụng cho các hình thức sản phẩm phi tiêu chuẩn này”.

(Nguồn: TTQLNĐ)

Triển vọng của năng lượng tái tạo: Giải pháp thực tiễn duy nhất đối với tương lai của nhân loại

Tương lai của nguồn năng lượng thay thế

Theo dư báo của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE), sản lượng điện dân dụng của Hoa Kỳ sẽ tăng 25% vào năm 2005. Tuy tỷ lệ tăng còn thấp, nhưng phần lớn năng lượng được bổ sung thêm từ các nguồn tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, nước và địa nhiệt. Năm 2004, các nguồn năng lượng thay thế đã bổ sung 6% năng lượng của nước này.

Brad Collins, Giám đốc điều hành, Hội Năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ, một tổ chức phi lợi nhuận cho biết: “Tương lai đang thuộc về năng lượng tái tạo”. Các nhà khoa học và các chuyên gia ngành công nghiệp bất đồng ý kiến với nhau về khả năng cung cấp lâu dài dầu và khí thiên nhiên, vì các nguồn này đang cạn kiệt dần.

Năng lượng tái tạo thường đắt hơn so với các nguồn cung cấp năng lượng truyền thống, song lại giúp giảm tình trạng ô nhiễm và bảo tồn các nhiên liệu hoá thạch.

Năng lượng mặt trời

Tế bào quang điện, hoặc điện mặt trời, các hệ thống thu năng lượng ánh sáng mặt trời và chuyển thành điện năng. Ngày nay, các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời đã cung cấp nguồn điện cho mọi thứ từ những ngôi nhà nhỏ đến các toà nhà văn phòng rộng lớn.

Cũng theo Collins, các tiến bộ công nghệ đã tạo ra các môđun điện mặt trời hiệu quả hơn. Trong những năm 1980, giá điện trung bình từ năng lượng mặt trời thu bằng các tế bào quang điện là 95 US cent/KWh. Hiện nay, giá điện đã giảm xuống khoảng 20 US cent/KWh.

Theo báo cáo năng lượng hàng năm của DOE, mức giá này tuy đã rẻ hơn, song vẫn còn đắt hơn giá điện trung bình của nhà nước, trên 8 US cent/KWh.

Những tiến bộ khác gần đây như công nghệ tế bào quang điện “màng mỏng” 1 lớp phủ bằng công nghệ cao chuyển bất kỳ bề mặt nào được phủ bằng màng thành nguồn năng lượng điện mặt trời.

Hiện nay, tàu thuyền và các loại xe vận tải đang sử dụng loại màng này.

Các kỹ sư cũng đã phát triển vật liệu lợp được phủ bằng màng tạo điện năng. Torcellini cho biết: “Người ta lợp mái nhà, đồng thời đặt luôn các tấm pin mặt trời trên đó”. Vật liệu lợp này chống chịu được thời tiết khắc nghiệt và trong những ngày nắng, thu ánh nắng để sản xuất điện năng.

Trong thời gian này, các nhà nghiên cứu của NREL đang tiến hành nghiên cứu nhằm sáng chế ra các hệ thống điện mặt trời có hiệu suất và rẻ hơn. Hầu hết các đơn vị thu năng lượng mặt trời truyền thống bán trên thị trường hiện nay chuyển khoảng 11% đến 13% ánh nắng mặt trời thành điện năng.

Jeff Mazer, một kỹ sư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Washington D.C nhận định: phần lớn các hệ thống tế bào quang điện màng mỏng hiện nay, đạt tỷ lệ hiệu suất từ 7% đến 11%. Song ông cũng dự tính, trong vòng 3 năm nữa, những hệ thống tế bào quang điện màng mỏng sẽ cao hơn tỷ lệ này. Một số môđun mặt trời kiểu truyền thống mới đạt hiệu suất tới 15% và trong tương lai gần, tỷ lệ này có thể tăng lên tới 17%.

Trong 2 thập kỷ gần đây, các panen thu nhiệt mặt trời (các thiết bị được dùng để sưởi ấm trong nhà bằng nước nóng, các bể nước...) đã đạt hiệu suất cao. Theo Collins, từ những năm 1980 giá điện đã giảm từ 60cent xuống còn 8cent/KWh.

Năng lượng gió

So với các nguồn năng lượng tái tạo khác, nguồn điện từ năng lượng gió đang cạnh tranh với nguồn điện từ năng lượng truyền thống với giá rẻ hơn 4cent/KWh.

Theo Hội Năng lượng gió Hoa Kỳ, các dự án năng lượng gió trên thế giới hiện nay sản xuất được một lượng điện đủ dùng cho 9 triệu ngôi nhà đặc thù của Hoa Kỳ.

Một trong những xu thế mới nhất về năng lượng gió là xây dựng các trạm phong điện ở ngoài khơi, các cụm tuabin phát điện được xây dựng ở các vùng nước thoáng có gió mạnh.

Châu Âu hiện có 17 trạm phong điện ngoài khơi. Khu trạm phong điện Arklow Bank cách bờ biển phía đông Ireland 8 dặm (13km) là một trong các dự án thuộc loại này, gồm 7 tuabin phát điện đủ dùng cho 16.000 hộ gia đình.

Trong khi chỉ có một vài gia đình ở Hoa Kỳ sử dụng năng lượng gió phát điện riêng cho họ, thì nhiều Công ty điện lực đã có ý định cho các khách hàng lựa chọn sử dụng điện năng của một nhà máy phong điện hoặc nguồn năng lượng tái tạo khác vào năm 2015.

(Nguồn: TTQLNĐ)

Năng lượng chắc chắn là một phạm trù được nghiên cứu nhiều nhất của lĩnh vực công nghệ. Trong những năm qua, nhiều phương án chọn lựa công nghệ đã được đưa ra: từ nhiên liệu hoá thạch, nhiên liệu hạt nhân đến pin nhiên liệu và các công nghệ năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Xu thế phát triển là hướng tới các phương án sản xuất được gọi là sản xuất năng lượng phi truyền thống. Hiện nay, năng lượng tái tạo được coi là sự lựa chọn sống còn đối với nhân loại.

- Khả năng chọn lựa năng lượng hạt nhân có xu thế thất bại. Việc chôn lấp một lượng phế thải phóng xạ ngày càng nhiều trong thời gian hơn 10.000 năm là không khả thi: liệu có hệ thống an toàn nào có thể làm việc trong thời gian lâu như vậy? Và vấn đề sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích dân dụng tiếp tục là cầu nối để bành trướng phát triển vũ khí nguyên tử, chắc chắn là nên phòng ngừa;

- Việc đốt cháy sinh khối mà không trồng trọt thay thế, như biện pháp phổ biến hiện nay ở nhiều khu vực thuộc thế giới thứ ba, làm sói mòn đất, sa mạc hoá và tạo ra sự di dân vào các khu vực quá đông dân;

- Biểu đồ đường cong các nguồn hoá thạch rẻ và uran sẽ giảm xuống. Mặt khác đường cong, nhu cầu sẽ tăng lên. Chỉ còn năng lượng tái tạo mới có thể tránh được sự giao cắt giữa hai đường cong và nhu cầu trong tương lai gần. Nếu không sử dụng năng lượng tái tạo đúng lúc và ở quy mô lớn sẽ dẫn đến hậu quả khủng hoảng kinh tế toàn cầu và các cuộc chiến tàn bạo;

- Sự lựa chọn giải pháp tổng hợp hạt nhân nguyên tử thực tế là không khả thi. Không một nhà tài trợ cho hạt nhân nguyên tử nào được hỏi hoặc phát biểu về chi phí, chi phí này cao gấp 3-10 lần so với phân hạch nguyên tử. Không ai nói về tính không phù hợp của các thiết bị phản ứng công suất 100.000 MW hoặc lớn hơn với nền kinh tế thị trường hoặc cơ cấu kinh tế. Tất cả đều bỏ qua lời tiên đoán của cựu lãnh đạo Trung tâm Tổng hợp Palasma của Viện Công nghệ Masachussett, Mỹ, M.L.Lidsk: "Nếu chương trình tổng hợp thiết lập được thiết bị phản ứng, sẽ không có ai mong muốn có thiết bị này". Tất cả đều bỏ qua là sự kiện không cần chọn lựa nguồn năng lượng khác nếu chúng ta tận dụng được tiềm năng của năng lượng mặt trời, cao gấp hơn 15.000 lần so với mức tiêu thụ năng lượng hoá thạch và hạt nhân hằng năm của thế giới hiện nay;

- Do năng lượng là nhu cầu cơ bản của cuộc sống nên sẽ là thiển cận và nguy hiểm nếu các quyết định cung cấp năng lượng trong tương lai dựa hoàn toàn vào chi phí năng lượng hiện nay. Chi phí năng lượng thông thường sẽ gia tăng. Chi phí tái tạo sẽ giảm xuống, do chi phí này hầu như chỉ là chi phí công nghệ, ngoại trừ đối với sinh khối. Mà mọi chi phí công nghệ sẽ giảm dần với sự tiến bộ của công nghệ và khi được sản xuất hàng loạt;

- Năng lượng nguyên tử/hoá thạch thông thường có nhiều tác động phụ tiêu cực đến kinh tế vĩ mô, như gia tăng nhu cầu bảo vệ chống tấn công cho mạng điện toàn cầu hoá; tăng mức tiêu thụ nước dùng cho khai thác mỏ, khai thác và cho các trạm nhiệt điện; chi phí nhập khẩu và những tổn hại đối với môi trường và sức khoẻ. Rất ít người nhận thức được rằng hệ thống sản xuất năng lượng thông thường tiêu thụ được nhiều nhất. Nhiều triệu người tử vong mỗi năm vì bệnh nhiễm các loại khí độc hại do các công trình năng lượng thải ra. Ngược lại, các nguồn năng lượng tái tạo có nhiều lợi ích về kinh tế vĩ mô và đối với xã hội rộng rãi, vì chúng giúp tránh được tất cả các ảnh hưởng bất lợi nêu trên.

- Chỉ với các nguồn năng lượng tái tạo mới có thể đạt được hiệu quả năng lượng thực sự. Trong dây truyền thông thườn trên thế giới, từ các mỏ và giếng khoan đến khách hàng, đôi khi cách xa hơn 10.000 dặm thất thoát năng lượng là rất lớn. Chỉ có dây truyền năng lượng ngắn, dựa trên cơ sở sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo tạo nội sinh (tại chỗ) mới có thể giảm thất thoát năng lượng một cách cơ bản.

- Năng lượng thông thường trên toàn thế giới bị chính trị chi phối. Ngược lại, năng lượng tái tạo không bị phân biệt về chính trị. Cho đến nay, gần 50 tỷ USD kinh phí Nhà nước trên thế giới, đã được chi trong 20 năm gần đây để đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Tất cả các sự kiện và xu thế trên cho thấy, năng lượng tái tạo ưu việt hơn bất ký một dạng năng lượng nào khác để thay thế cho các nguồn năng lượng cũ. Đó là nguồn thay thế duy nhất, là giải pháp tổng thể, có khả năng giải quyết toàn bộ nhu cầu năng lượng. Thúc đẩy chúng phải trở thành một chiến lược cơ bản ở khắp nơi. Do các vấn đề và mối nguy hiểm ở ngay trên Trái đất, mà không phải ở trên Mặt trăng hoặc Sao Hoả, việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo làm cho mọi quốc gia đều bị tổn hại, việc loại trừ năng lượng là vấn đề an ninh tối thượng và quan trọng hơn nhiều so với các chương trình vũ khí mới.

Bỏ qua cơ hội và lợi ích có tính chiến lược đối với nhân loại chỉ vì một số chi phí cao hơn vào lúc khởi đầu là một sự vô lý, thể hiện quan điểm thiển cận về kinh tế. Một sai lầm lớn nhất về năng lượng tái tạo là coi năng lượng này là một gánh nặng đối với nền kinh tế. Nhu cầu cấp thiết nhất là vượt qua các rào cản tinh thần và tâm lý này. Cần làm cho xã hội nhận thức được các cơ hội mà năng lượng tái tạo mang lại.

Việc chuyển hướng sang năng lượng tái tạo đặt ra thách thức về tinh thần văn hoá, cần xây dựng chính sách và công cụ tài chính cho sự chuyển đổi các lợi ích vĩ mô về chính trị, kinh tế và xã hội thành các ưu thế và lợi ích của từng cá nhân. Mọi người sẽ bị thuyết phục không chỉ bởi lợi ích tiền bạc, mà còn bởi cacs giá trị và lợi ích cho cuộc sống.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, Thủ tướng CHLB Đức đã mời tất cả các Chính phủ tham dự Hội nghị quốc tế về năng lượng tái tạo tháng 6 năm 2003. Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh, một sáng kiến đã được đưa ra nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo tích cực hơn nữa so với Nghị quyết cuối cùng của Hội nghị Johannesburg đề xuất. Sáng kiến này đã được đề cập tại Hội đồng Năng lượng Tái tạo Thế giới (WCRE) ở Béclin tháng 6 năm 2002.

Với chức năng hoạt động như là tổ chức thúc đẩy năng lượng tái tạo toàn cầu, tại Diễn đàn chính sách và chiến lược năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Kế hoạch gồm 12 bước hành động cụ thể ở quy mô quốc tế. Một trong những bước này là thiết lập Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) để thống nhất các tiêu chuẩn trùng lặp của hệ thống quốc tế.

Song song với Hội nghị Chính phủ quốc tế, Quốc Hội Đức là nước chủ nhà tổ chức Diễn đàn các Nghị sĩ Quốc Hội về năng lượng tái tạo. Vì năng lượng tái tạo là năng lượng cho dân, đội ngũ lãnh đạo trong các tổ chức chính trị cần được bầu cử các đại biểu của dân. Ngoài ra, hai ngày trước Hội nghị, WCRE sẽ tổ chức Diễn đàn thế giới lần thứ 2, với tính cách là Diễn đàn hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ trong lĩnh vực tái tạo. Tại đây, sẽ đưa ra Hiến chương về Năng lượng Tái tạo toàn cầu, mở đường cho Kỷ nguyên Mặt trời.

Kỷ nguyên này sẽ tới, sớm hay muộn. Muộn là do có những vấn đề có tầm quan trọng quốc tế. Kỷ nguyên này đến càng sớm càng tốt đối với xã hội và nhân loại. Thuật ngữ ''Kỷ nguyên'' thường ám chỉ một sự chuyển đổi, một sự phát triển khởi đầu và một thời đại suy thoái sau đó mang đặc trưng cụ thể. Điều này đúng với Kỷ nguyên hóa thạch và nguyên tử. Khi Kỷ nguyên Mặt trời đến, sẽ là đồng nghĩa với một xã hội toàn cầu thực sự đúng nghĩa với thuật ngữ ''Bền vững''.

(Nguồn: TT QLNĐ)

Năng lượng tái tạo - Cơ hội duy nhất

Nếu biện hộ cho việc ủng hộ sử dụng năng lượng tái tạo chỉ vì lý do sinh thái sẽ khó thuyết phục được các nước đang phát triển. Điều này thể hiện rõ trong các cuộc hội nghị về khí hậu thế giới được tổ chức năm 1995 đến năm 2001, dẫn đến Nghị định thư Kyoto. Các nước đang phát triển cho rằng chuyển hướng sang chính sách năng lượng thân thiện môi trường là nhiệm vụ cơ bản của các quốc gia công nghiệp hoá. Các nước này tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người với mức cao hơn 10 - 15 lần so với các nước đang phát triển.

Theo các nước phát triển, bất kỳ một sáng kiến nào về cung cấp năng lượng sinh thái, trước hết, phải là từ các quốc gia công nghiệp hoá. Đối với các nước đang phát triển, vấn đề này đòi hỏi chi phí quá cao, về khía cạnh kinh tế, không thực hiện được. Các cuộc thảo luận cho thấy, gánh nặng chi phí của chính sách năng lượng mới cũng quá cao đối với cả các nước giàu. Với lý do chi phí cao hơn so với việc cung cấp năng lượng thông thường, các nước đang phát triển hầu như nhất trí với quan điểm là họ chỉ có thể thực hiện các bước huy động năng lượng tái tạo, nếu được tài trợ theo khuôn khổ viện trợ phát triển.

Quan điểm này cho rằng, năng lượng tái tạo chỉ là vấn đề chi phí trực tiếp, là vấn đề kinh tế vĩ mô của việc cung cấp năng lượng trực tiếp. Điều này không liên quan đến các khía cạnh kinh tế vĩ mô của việc cung cấp năng lượng, dù các tác động này tiêu cực hay tích cực. Tuy nhiên, cung cấp năng lượng không phải là vấn đề của một lĩnh vực. Cần đề cập đến tính xã hội của năng lượng và của kinh tế để nhận biết những mối liên kết cơ bản. Đầu thế kỷ XX, Frederick Soddy, một nhà xã hội học người Anh, đã viết trong cuốn "Vật chất và Năng lượng" là các định luật thể hiện mối liên quan giữa năng lượng và vật chất không chỉ quan trọng về khoa học thuần tuý. Chúng liên quan đến sự hiểu biết lịch sử nhân loại và quan trọng đối với việc xây dựng tương lai. Vấn đề năng lượng có tính quyết định đối với sự phát triển và thoái triển của các hệ thống chính trị, hoà bình hay sự khuất phục của các quốc gia, sự phát triển thương mại và công nghiệp, cội nguồn của sự giàu có hay nghèo khổ và sự phồn thịnh vật chất chung của loài người.

Không nên nhìn nhận các mối liên quan này một cách tách biệt khi nói về chi phí của từng công nghệ năng lượng cụ thể. Cần nghiên cứu các hệ thống năng lượng, tất cả các dòng năng lượng từ nguồn đến việc sử dụng cuối cùng, tất cả các chi phí trực tiếp và gián tiếp đối với các nền kinh tế quốc gia và tất cả các tác động tiêu cực và tích cực đến môi trường cũng như là các hậu quả về chính trị.

Về phương diện vật lý, tất cả hệ thống năng lượng do con người tạo ra phải tuân theo dòng của các nguồn năng lượng này và cần đưa ra các quyết định tạo thuận lợi cho chúng. Những dòng năng lượng này quyết định sự lựa chọn công nghệ, cơ sở hạ tầng thiết yếu và các mô hình kinh doanh cung cấp năng lượng. Tất cả các yếu tố này quyết định chi phí thực tế và phạm vi xã hội đáp ứng các nhu cầu năng lượng.

Quá trình tiêu thụ hoặc sử dụng năng lượng có đặc điểm phi tập trung, diễn ra tại nơi con người sống và làm việc. Tuy nhiên, việc khai thác năng lượng hoá thạch và hạt nhân không tránh khỏi sự tập trung hoá. Các nguồn dầu, khí tự nhiên, than và urani lại tập trung ở một số ít khu vực trên hành tinh. Ví dụ: 60% trữ lượng dầu, hiện nay được khai thác chỉ từ 40 mỏ dầu lớn, mà 26 trong số đó lại ở các nước xung quanh Vịnh Pec Xích. Khi các mỏ dầu này cạn dần trong ít thập niên nữa, thì chúng ta càng phụ thuộc nhiều hơn vào chúng. Chi phí năng lượng này sẽ kìm hãm nền kinh tế toàn cầu, cũng như nền kinh tế từng quốc gia và thậm chí cả các hãng cung cấp năng lượng.

Đối với khí tự nhiên, vấn đề cũng giống như vậy, vì thực tế là các nguồn khí cùng ở chỗ các nguồn dầu. Chỉ có các mỏ than là phân bố rộng hơn và có khả năng khai thác dài hơn, mặc dù về cơ bản tình hình không khác nhau nhiều. Nguồn urani nguyên liệu cơ bản của nhiên liệu hạt nhân, cũng sẽ cạn trong ít thập niên nữa và các mỏ urani có thể khai thác được thậm chí lại còn tập trung hơn.

Tình hình này dẫn đến mức độ phụ thuộc mang tính sống còn rất cao của các xã hội, tạo tiềm năng xấu cho kinh tế và xã hội, với những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến hoà bình thế giới. Do các trữ lượng năng lượng có hạn này sẽ cạn kiệt trong thế kỷ 21, giá cả sẽ tăng một cách có hệ thống. Ngày càng có nhiều người, kể cả ở các nước giàu, sẽ không có khả năng sử dụng năng lượng và ngày càng có nhiều nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng xấu.

Xu thế này hiện đang diễn ra ở hầu hết các nước đang phát triển, trước hết là là ở các nước không có nhiên liệu hoá thạch. Các nước đang phát triển trả giá năng lượng trên thị trường thế giới bằng các nước công nghiệp hoá. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thu nhập tính theo đầu người của những nước này chỉ bằng 5 đến 10% mức thu nhập ở các nước tiên tiến. Do vậy, chi phí năng lượng thực tế của các nước này thực tế cao hơn 10 đến 20 lần. Không có gì minh hoạ cho sự khủng hoảng phát triển ở các nước Thế giới Thứ ba tốt hơn sự so sánh này. Tuy nhiên, cũng còn nhiều chỉ số khác nữa. Ví dụ, thuế năng lượng không phải bàn đến nữa ở nhiều nước đang phát triển. Chính xác hơn, tiêu thụ dầu đã phải hỗ trợ. Một chỉ số khác là nhiều "nước kém phát triển nhất" đã phải chi trả nhiều cho nhập khẩu năng lượng hơn là thu nhập từ xuất khẩu. Nói một cách khác, cơ chế này không đem lại triển vọng kinh tế cho các nước này. Cũng không nên quên là cuộc khủng hoảng giá dầu trên thế giới năm 1973 và 1982 là nguyên nhân chính làm cho nợ của Thế giới Thứ ba leo thang từ 200 tỷ USD lên 1,2 nghìn tỷ USD trong thời gian này. Đến nay, các nước đang phát triển vẫn chưa hồi phục khỏi thảm hoạ này. Với sự gia tăng giá năng lượng thông thường, các nước này đang phải đối mặt với nguy cơ rơi vào tình trạng mất cân đối kinh tế nghiêm trọng.

Một trong những sai lầm rõ nhất về phát triển trong thập kỷ vừa qua là việc thiết lập các hệ thống cung cấp năng lượng tập trung ở các nước đang phát triển, theo gương của các quốc gia công nghiệp hoá trong nhiều thập kỷ. Hệ thống này hoàn toàn không phù hợp với các nước đang phát triển, vì hơn 50%, ở một số nước là đến 90% dân số sống ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, chi phí cung cấp năng lượng cho các trạm điện như vậy lại ít, nên lưới điện chủ yếu tập trung ở các đô thị. Tình trạng đổ xô người vào các khu vực đô thị nghèo đem đến sự phát triển đầy kịch tính của các đô thị, dẫn đến sự quá tải dân số sống trong những điều kiện tồi tàn nhất.

Do vậy, các nước đang phát triển, với mức độ lớn hơn và sớm hơn so với các nước khác, sẽ bị mắc vào bẫy năng lượng hiện sinh. Lối thoát ra khỏi tình trạng này là đưa vào sử dụng năng lượng thường cản trở sự phát triển xã hội. Hơn nữa, cùng với ưu thế cơ bản về môi trường, năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sẵn có trong nước. Ngoại trừ các dự án thuỷ điện lớn, việc sản xuất năng lượng sẽ theo kiểu phi tập trung. năng lượng tự nhiên ở địa phương có thể và cần được sản xuất tại chỗ, ngay tại nơi cần tiêu thụ, bằng cách sử dụng các công nghệ phi tập trung. Các nước đang phát triển có thể tiết kiệm được ngoại tệ khó kiếm lẽ ra phải chi cho năng lượng cơ bản. Họ có thể cắt giảm chi phí bằng phương án kết hợp, mà không cần cơ sở hạ tầng trải rộng. Sử dụng tiềm năng năng lượng sinh học trong nước, các nước này có cơ hội tăng tốc phát triển kinh tế nông thôn. Năng lượng tái tạo có ưu thế rõ ràng nhờ đáp ứng nhanh nhu cầu năng lượng tại chỗ. Các công nghệ phi tập trung hoá tạo ra hệ thống năng lượng theo kiểu mô đun, dễ dàng thiết lập một cách nhanh chóng. Mặt khác, các nhà máy điện quy mô lớn phải cần thời gian xây dựng ít nhất là 10 năm trước khi có thể sản xuất ra điện. Vì những lý do này, cần khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

(Nguồn: QLNĐ)

Chương trình khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo

Quỹ Năng lượng sạch của bang Connecticut (Hoa Kỳ) sẽ cung cấp miễn phí các hệ thống năng lượng mặt trời cho các thành phố, thị xã cam kết mua 20% sản lượng điện của họ từ các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường vào năm 2010.

Chương trình "Các cộng đồng sử dụng năng lượng sạch của bang Connecticut" trị giá 500.000 USD sẽ khuyến khích chính quyền thành phố hối thúc người tiêu dùng sử dụng năng lượng tái tạo.

Charlie Moret, Giám đốc tiếp thị Quỹ Năng lượng sạch cho biết chương trình đưa ra 3 lựa chọn cho các thành phố, thị xã: thứ nhất là có ít nhất 100 người đăng ký chương trình; thứ hai là có thể khuyến khích các doanh nghiệp mua 1 GW điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, thứ ba là có đủ 10% dân đăng ký.

Có thể gắn các tấm pin mặt trời trên các toà nhà của thành phố hoặc trường học để sản xuất điện và giảm các chi phí điện.

Cách đây hai năm, New Haven là thành phố đầu tiên cam kết mua 20% điện năng từ các nguồn tái tạo và haven đang nỗ lực đi đầu về năng lượng tái tạo.

Các quan chức của Quỹ Năng lượng tái tạo cho rằng, khi người dân tận mắt nhìn thấy năng lượng tái tạo được sử dụng, thì chính họ cũng sẽ bắt đầu sử dụng nó. Người dân và các doanh nghiệp tham gia vào chương trình cộng đồng có thể trực tiếp đăng ký để lựa chọn năng lượng sạch do Công ty United Illuminating của New Haven và Công ty Điện & Ánh sáng thuộc Connecticut cung cấp.

Bộ Kiểm soát các dịch vụ công cộng yêu cầu các ngành dịch vụ công cộng cho phép người tiêu dùng đăng ký sử dụng năng lượng tái táo. Các ngành dịch vụ công cộng sẽ mua năng lượng tái tạo và tính giá phù hợp cho người tiêu dùng.

Hội đồng toàn thể của Connecticut đã thành lập Quỹ Năng lượng sạch Connecticut vào năm 1998, đầu tư vào các công nghệ năng lượng sạch như sinh khối, khí từ các bãi chôn lấp, pin nhiên liệu, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng và năng lượng gió.

(Nguồn: QLNĐ)