22.8.05

Thủ Đô Nhật Bản thử nghiệm những nguồn năng lượng mới

Tin ngày: Thứ Ba, 19/04/2005 11:56 GMT+7
Thủ Đô Nhật Bản thử nghiệm những nguồn năng lượng mới

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đang thử nghiệm những nguồn năng lượng mới không gây ô nhiễm: năng lượng bằng sức gió, năng lượng từ sự chênh lệch nhiệt độ của nước thải...

Nước thải ở Kabukicho, khu vui chơi giải trí ở Tokyo với hơn 5.000 quán bar, nhà hàng được tập hợp trên diện tích 36.000m2, đang tạo ra năng lượng cần thiết để sưởi ấm và điều hoà không khí cho 6 toà nhà đồ sộ trên tổng diện tích 22 hecta ở Koraku (một khu thương mại). Nhiệt độ nước thải, nước cống thường mát hơn nước sinh hoạt và không khí ở bên ngoài cống vào mùa hè, và ấm hơn vào mùa đông. Ý tưởng của các nhà khoa học Nhật Bản là lợi dụng sự chênh lệch nhiệt độ này để áp dụng cho các hệ thống điều hoà không khí đã trở thành hiện thực, nhờ một thiết bị trao đổi nhiệt được đặt tại trạm bơm ở Korachu. Công ty TSE (Tokyo Sewarage Energy) đã lắp đặt hệ thống này tại đây vì đó là khu tiêu thụ nhiều năng lượng và nhất là ở đó luôn có rất nhiều nước thải. Các toà nhà trong khu vực đã được hưởng theo mùa sự điều hoà không khí và cả nhiệt độ nước sinh hoạt, trung bình nước ấm 47oC hoặc mát ở 7oC.

Tháng 4/2003, TES đã đưa vào hoạt động một hệ thống điều hoà mới, nhưng đặt ở khu vực khác. Tại đó trung tâm xử lý nước thải cung cấp năng lượng cho một khu dân cư và công sở rộng 13 hecta. Người ta đã sử dụng nhiệt toả ra khi xử lý nước thải, đốt rác và bùn. Theo TES, nhờ sử dụng nguồn năng lượng này mà lượng khí thải CO2 đã giảm 60% và lãnh đạo của TES còn tuyên bố phải “đánh thức” hết những nguồn năng lượng còn đang “ngủ” trong thành phố.

Tokyo đang nỗ lực sử dụng những nguồn năng lượng có thể tái tạo và không gây ô nhiễm. Việc lắp đặt 2 tổ máy phong điện (cao 40m) đã được tiến hành từ tháng 10/2002. Công ty J-Wind Tokyo xây dựng và quản lý các nhà máy điện dùng sức gió này (hoạt động với công suất 2,5 triệu KWh), đáp ứng nhu cầu điện cho 800 hộ gia đình. Lãnh đạo thành phố còn dự định lắp đặt thêm 3 nhà máy phong điện mới cùng đối tác hoạt động không vì mục đích vụ lợi. Theo ông Akira Sawa, Phó Giám đốc phụ trách các vấn đề toàn cầu thuộc Sở Môi trường Tokyo, Nhật đã đưa vào sử dụng một nhà máy thí điểm sản xuất nhiên liệu rắn từ gỗ được khai thác ở rừng. Các nhà khoa học nước này cũng đang nghiên cứu việc xây dựng một nhà máy điện sử dụng mêtan (được tạo ra từ việc xử lý các chất thải được chôn ở phía bắc Vịnh Tokyo).

Các nhà lãnh đạo Tokyo còn cho lắp đặt các nhà máy phát điện sức nước trong các trung tâm xử lý nước thải. Theo tờ Nihon Keizai Shimbun, đó là hệ thống có khả năng sản xuất 200.000KWh mỗi năm nhờ một thác nước nhân tạo cao 5m. Đó là thành quả của một công trình nghiên cứu mà chính quyền thành phố và Công ty Tokyo Electric Power tiến hành. Tokyo dự định nhân rộng mô hình này ra 12 trung tâm nằm trên 23 quận của thủ đô. Nếu tất cả các dự án sử dụng những nguồn năng lượng có thể tái tạo được đi vào hoạt động, Tokyo sẽ cung cấp nhiều triệu kilooat giờ điện mỗi năm, đáp ứng nhu cầu điện cho hàng trăm nghìn hộ gia đình. Điều đó có nghĩa là giảm được 118.000 tấn CO2 thải ra hàng năm.

Tuy nhiên, thủ đô Tokyo vẫn chỉ sản xuất được khoảng 5% lượng điện mà nó tiêu thụ (khoảng 79,5 tỷ KWh) và sự phụ thuộc vào những nguồn điện từ các vùng khác vẫn chiếm phần lớn. Nói chung sự đóng góp của các nguồn năng lượng mới vào việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính chỉ rất nhỏ nếu xem xét đến mục tiêu đặt ra tới năm 2010 (giảm 6% so với mức năm 1990, tức ở mức 52 triệu tấn). Nhưng dù sao, Tokyo đã nỗ lực rất nhiều trong việc giảm khí CO2 ở các nhà máy công nghiệp. Xét cho cùng, dù người ta có thể phát triển được nhiều dạng năng lượng mới đi nữa thì cũng không thể chống lại hiệu ứng nhà kính, nếu không có sự tiết kiệm năng lượng từ phía người tiêu dùng.

(Nguồn: TTQLNĐ)

0 Comments:

Post a Comment

<< Home